Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỰ HỌC HỌC PHẦN KTM1 CHO SINH VIÊN NGÀNH CÔNG NGHỆ MAY

Ngày đăng: 07:58 - 15/11/2019 Lượt xem: 7.068
Cùng với xu hướng hiện đại hóa của xã hội và nhu cầu ăn mặc của con người ngày càng phong phú và đa dạng ngoài kiến thức chuyên môn sâu cần phải hiểu biết rộng về các công nghệ liên quan để phối hợp một cách linh hoạt giữa chuyên môn và công nghệ để tạo ra hiệu quả cao trong sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu xã hội, các trường Đại học không chỉ đào tạo ra nguồn nhân lực thông thạo về lý thuyết mà còn phải biết ứng dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn ngành nghề nói chung và chuyên ngành Công nghệ may nói riêng. Để có những kiến thức và kỹ năng ngoài việc học trên lớp thì tự học là một trong những kỹ năng cốt lõi để hiệu quả hơn trong học tập.   

Tự học có vai trò, ý nghĩa rất lớn không chỉ trong giáo dục nhà trường mà cả trong cuộc sống. Trong nhà trường, bản chất của quá trình học là tự học, kết quả học tập của người học tỉ lệ thuận với năng lực tự học của SV.

Trên thực tế còn một số SV ngành Công nghệ may chưa nhận thức đúng về vai trò tự học, đa số SV đã hiểu được tầm quan trọng của vai trò tự học nhưng chưa dành đủ thời gian cho việc tự học. Việc xác định nội dung tự học chưa chủ động, chưa xây dựng và rèn luyện kỹ năng tự học cho bản thân, hình thức tự học chưa hợp lý, chưa có phương pháp tự học hiệu quả. Do vậy đánh giá được thực trạng trong vấn đề tự học sẽ là cơ sở giúp nâng cao hiệu quả dạy và học trong trường hiện nay. Bài viết “Giải pháp nâng cao hiệu quả tự học học phần KTM1 cho sinh viên ngành công nghệ may” với mong muốn nâng cao hiệu quả tự học cho sinh viên ngành Công nghệ may của Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.
                                                                 

I. KHÁI NIỆM VỀ TỰ HỌC, HIỆU QUẢ TỰ HỌC, CÁC VAI TRÒ VÀ HÌNH THỨC TỰ HỌC
1. Khái niệm tự học

Tự học: là sự tự giác, chủ động và độc lập của người học trong quá trình lĩnh hội tri thức. Bản chất của tự học là quá trình chủ thể người học cá nhân hóa việc học nhằm thỏa mãn các nhu cầu học tập, tự giác tiến hành các hành động học tập như: phân tích, so sánh, tổng hợp, khái quát, giao tiếp, thực hành, kiểm tra, đánh giá… để thực hiện có hiệu quả mục đích và nhiệm vụ học tập đề ra.

2. Khái niệm hiệu quả, hiệu quả tự học
     - Hiệu quả: là khả năng tạo ra kết quả mong muốn hoặc khả năng sản xuất ra sản lượng mong muốn. Khi cái gì đó được coi là có hiệu quả, có nghĩa là có một kết quả mong muốn hoặc mong đợi, hoặc tạo ra một ấn tượng sâu sắc, sinh động.
   - Hiệu quả tự học: có thể cho rằng hiệu quả tự học là tự mình động não suy nghĩ, sử dụng các khả năng trí tuệ để chiếm lĩnh một lĩnh vực hiểu biết nào đó của nhân loại, biến lĩnh vực đó thành sở hữu của riêng mình sao cho đạt được kết quả mong muốn.

3. Vai trò của tự học
     Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển như hiện nay cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin, việc tự học có vai trò vô cùng quan trọng. Tự học được xem là “chìa khóa vàng” giúp con người đã và đang bước vào thiên niên kỷ mới với trình độ khoa học - công nghệ hiện đại. Việc tự học giúp con người không ngừng nâng cao hiểu biết, cập nhật tri thức nghề nghiệp, phát huy được năng lực của bản thân trong lao động và sáng tạo. 
 
 
 Hình 1. Vai trò của tự học
 
4. Đặc điểm tự học trong đào tạo tín chỉ
Đào tạo theo hình thức tín chỉ là phương pháp đào tạo có nhiều ưu thế so với phương thức đào tạo truyền thống. Theo hình thức tín chỉ thì SV là trung tâm, ngoài kiến thức GV truyền đạt trên lớp thì SV phải tự học, tự nghiên cứu thêm tài liệu. Việc tự học của SV đại học còn có một đặc điểm; đó là hoạt động tự học diễn ra liên tục, trong một phạm vi lớn nhằm lĩnh hội rất nhiều tri thức.
Đặc biệt việc tự học các học phần nói chung và thực hành nói riêng của SV đại học là đi sâu vào một chuyên ngành để chuẩn bị cho một nghề trong tương lai. Do đó SV phải tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản, vững vàng về nghề đó, đồng thời phải có nhiều hiểu biết khác theo yêu cầu của cuộc sống. Có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

5. Các hình thức tự học
- Tự học hoàn toàn (không có GV): Ngoài việc tự học theo sự hướng dẫn của GV, SV cũng phải tự chủ động tìm kiếm, nghiên cứu những vấn đề khác không liên quan đến bài học thông qua tài liệu, qua tìm hiểu thực tế, học kinh nghiệm của người khác
- Tự học trong một giai đoạn của quá trình học tập: Tự học theo hình thức này sẽ gắn liền với nội dung bài học, theo sự sắp xếp và giám sát của GV, nó sẽ giúp cho SV xác định được phương hướng, mục tiêu và giải pháp tốt nhất để hoàn thành bài học cũng như bổ sung thêm kiến thức liên quan đến vấn đề đã được học.
- Tự học qua phương tiện truyền thông (học từ xa): SV được nghe GV giảng giải minh họa, nhưng không được tiếp xúc với GV, không trao đổi, không nhận được sự giúp đỡ khi gặp khó khăn. Với hình thức tự học này, SV cũng không đánh giá được kết quả học tập của mình.  
  - Tự học qua tài liệu hướng dẫn: Trong tài liệu trình bày cả nội dung, cách xây dựng kiến thức, cách kiểm tra kết quả sau mỗi phần, nếu chưa đạt thì chỉ dẫn cách tra cứu, bổ sung, làm lại cho đến khi đạt được (thí dụ học theo các phần mềm trên máy tính). Song nếu chỉ dùng tài liệu tự học SV cũng có thể gặp khó khăn và không biết hỏi ai.
- Hình thức tự học trên lớp: Đa số SV đại học hiện nay tự học ở lớp, với hình thức này SV tập trung nghe giảng, suy nghĩ, mạnh dạn và hăng hái phát biểu xây dựng bài ở lớp bởi vì thường nhớ rất nhanh. Tích cực trong những bài tập nhóm tại lớp, kết hợp với việc sử dụng các thao tác tư duy và ghi chép bài trên lớp, tự ghi những ý cơ bản, có chọn lọc, ghi nhanh, tạo những chữ viết tắt cho riêng mình và tránh thay đổi nó, phối hợp nhiều màu mực trong cách ghi bài để thể hiện một dàn bài hiệu quả.

II. THỰC TRẠNG TỰ HỌC CÁC HỌC PHẦN KỸ THUẬT MAY
1. Đặc điểm ngành công nghệ may

   Trong chương trình đào tạo Đại học ngành Công nghệ may học phần KTM1 là học phần đầu tiên hướng dẫn sinh viên các thao tác cơ bản, may các chi tiết và lắp ráp áo sơ mi. Học phần này rèn luyện kỹ năng nghề cho SV vì thế học phần này có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kỹ năng, kỹ xảo cho SV. Bài tập tự học thường là phân tích kết cấu các chi tiết áo sơ mi, chuẩn bị bài may theo trình tự, hoặc phân tích một số lỗi của các chi tiết áo sơ mi, 1 số lỗi trong quá trình lắp ráp sản phẩm.

2. Đặc điểm sinh viên ngành công nghệ may
Trong thời gian học tập học phần KTM1 SV được trang bị kiến thức lý thuyết, được thực hành kỹ năng may các chi tiết, lắp ráp áo sơ mi, được bố trí phòng tự học thực hành ngoài giờ lên lớp khi có nhu cầu. Nhưng theo kết quả khảo sát SV trình độ Đại học của trường Đại học Công Nghiệp Dệt May Hà Nội về tình hình tự học của SV thì số SV dành thời gian dưới 2 giờ tự học hàng ngày chiếm tới gần 60%. Cũng theo khảo sát có tới hơn 90% SV tự học có nội dung, phương pháp tự học chủ yếu do GV giao và theo đề cương học phần. Điều này cho thấy SV chưa chủ động trong việc tìm kiếm thông tin, chưa có phương pháp tự học hiệu quả. Ngoài ra môi trường sống hiện nay cũng gây ảnh hưởng lớn tới tinh thần và ý thức học tập của SV, một số SV đã dành phần lớn quỹ thời gian cho những hoạt động vui chơi như chơi game, tham gia các mạng xã hội, bán hàng đa cấp, online...

3. Thực trạng về cơ sở vật chất của trường

Cơ sở vật chất là điều kiện quan trọng góp phần bảo đảm chất lượng đào tạo của nhà trường bên cạnh các điều kiện bảo đảm khác như đội ngũ GV, chương trình học tập.

Hiện tại nhà trường có 41 phòng thực hành trong đó có 8 phòng được trang bị máy điện tử, 33 phòng máy cơ, trong phòng có máy một kim, máy vắt sổ, bàn là để SV thực hành các học phần KTM. Ngoài thiết bị may nhà trường còn trang bị trung tâm thư viện với hàng nghìn đầu sách tham khảo các loại, có hệ thống thư viện điện tử phục vụ cho SV trong việc tham khảo tài liệu. Bên cạnh đó để giúp SV hoàn thiện viêc tự học trung tâm THM đã chủ động cho SV đăng ký tự học, sắp xếp phòng học thực hành, GV hướng dẫn lớp tự học.

III.  MỘT SỐ GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ TỰ HỌC CHO SINH VIÊN
Để nâng cao hiệu quả tự học cho SV học phần KTM1 là quá trình đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau như: SV, GV, cơ sở vật chất của nhà trường. Trên cơ sở tình trạng tự học của SV hiện nay nhóm nghiên cứu đưa ra một số giải pháp như sau:

1. Tạo hứng thú trong tự học
* Mục đích: Tạo hứng thú trong tự học để khích lệ SV tích cực tham gia vào các hoạt động tự học và hình thành thái độ làm việc cũng như ý chí vượt khó để hoàn thành các bài tập được giao.
 * Nội dung:
- Định hướng tư tưởng, động viên, khích lệ SV;
        - Vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực nhằm kích thích hứng thú tự học cho SV.
 * Cách thực hiện:
       - SV:
+ Có thái độ học tập nghiêm túc: Chuẩn bị bài trước khi khi đến lớp, đọc giáo trình Công nghệ may áo sơ mi
+ Tham khảo thêm các sách, báo, tạp chí và các tài liệu tham khảo khác như: giáo trình vật liệu may, tiếng Anh chuyên ngành, thiết bị may,….;
+ Chủ động và tăng cường các buổi học nhóm, thảo luận trong nhóm, tích cực tham gia các buổi học của câu lạc bộ ngành may;
     - Giảng viên:
+ Áp dụng tốt các phương pháp giảng dạy tích cực và khai thác có hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại như: máy tính, ti vi, các thiết bị chuyên dùng, cữ, dưỡng... có thể sử dụng trong từng bài giảng;
+ Giảng viên cho sinh viên quan sát mô hình, các video may các bộ phận của doanh nghiệp may hiện nay;
+ Ra các bài tập kích thích SV tìm tòi nghiên cứu như: Tìm các hình ảnh, video có nội dung liên quan đến bài học.

2. Lập kế hoạch và quản lý thực hiện kế hoạch học tập theo tuần của SV
* Mục đích:
- Đảm bảo cho hoạt động tự học của SV có định hướng, mục tiêu rõ ràng;
- Giúp cho SV nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động tự học và có ý thức với bản thân trong việc lập kế hoạch học tập và quản lý thực hiện kế hoạch đề ra.
* Nội dung:
     -  SV tự lập và quản lý kế hoạch thực hiện
     - SV tự xây dựng kế hoạch học tập theo từng tuần  
     - SV tự xây dựng kế hoạch học tập theo từng bài
* Cách thực hiện
    - SV:
 Bước 1: Xác định mục đích và nhu cầu học tập
Bước 2: Lập kế hoạch học tập (Sinh viên có thể lập kế hoạch học tập  theo mẫu)

 
KẾ HOẠCH THỰC HIỆN THEO TUẦN
Họ và tên sinh viên:                                          Lớp:
 
STT Ngày thực hiện Nội dung thực hiện Cách thức thực hiện Định mức thời gian Ghi chú
Kế hoạch Thực tế
1            
2            
 

Bước 3: Thực hiện kế hoạch học tập
Bước 4: Kiểm tra đánh giá kết quả học tập (Sinh viên tự kiểm tra, đánh giá kết quả bài học theo mẫu sau): 
PHIẾU KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HỌC TẬP

2.3. Rèn luyện phương pháp tự học

 a/  Kỹ năng tìm, đọc, nghiên cứu tài liệu, giáo trình
    * Mục tiêu:
      - Rèn thói quen đọc sách, nghiên cứu khoa học, phát triển tư duy
- Giúp SV xác định được nội dung kiến thức cơ bản và xác định được những nội dung cần hiểu và những nội dung còn thắc mắc.
     * Nội dung:
      - Tìm, đọc, nghiên cứu nội dung bài học qua giáo trình, tài liệu tham khảo, tài liệu các mã hàng
      - Tìm trên Internet các video, quy trình may các bộ phận, sản phẩm có liên quan đến nội dung bài học.
     * Cách thực hiện:
      - SV tự tìm, đọc, nghiên cứu tài liệu tham khảo theo các bước sau
Bước 1: Xác định nội dung bài học cần tìm, nghiên cứu đúng nội dung bài học
Bước 2: Nghiên cứu tài liệu của 1 số mã hàng đang sản xuất hiện nay (GV cung cấp cho SV tài liệu).
Bước 3: Vào Internet tìm kiếm các video may các bộ phận, các sản phẩm, quy trình may các bài học liên quan.
Bước 4: SV lên thư viện tìm giáo trình, tài liệu có liên quan đến nội dung bài học
Bước 5: Đọc các loại giáo trình, tài liệu phù hợp với nội dung bài học như: giáo trình công nghệ may áo sơ mi, vật liệu may, thiết bị may…
Giảng viên:
     - Hướng dẫn SV kỹ năng đọc giáo trình, khuyến khích SV tự đọc, tự nghiên cứu trau dồi kiến thức;
     - Yêu cầu SV đọc trước nội dung bài học có liên quan;
       - GV kiểm tra việc chuẩn bị bài trước khi đến lớp của SV qua các bài kiểm tra 5 phút về nội dung bài đọc đã yêu cầu SV xem trước.
         - GV đánh giá kỹ năng ghi nhớ của SV qua những câu hỏi tái hiện kiến thức đã học.
      - Nhấn mạnh những ý chính, từ khóa giúp SV ghi nhớ tốt hơn.
b/  Kỹ năng ghi nhớ bài học bằng sơ đồ tư duy
* Mục tiêu:
            - Giúp SV nắm vững kiến thức cơ bản, biết lập đề cương và phát triển tư duy logic, tăng khả năng tổng hợp.               
  - SV khái quát được nội dung kiến thức đã đọc trong giáo trình, các tài liệu tham khảo một cách ngắn gọn, dễ hiểu.
 * Nội dung:  Ghi tóm tắt nội dung nghiên cứu được bằng sơ đồ tư duy hoặc lập bảng...
 * Cách thực hiện:
   - SV
            SV có thể khái quát lại nội dung kiến thức SV đọc trong giáo trình, nghiên cứu tài liệu ở dạng lập bảng biểu (Bảng trình tự may), vẽ sơ đồ nhận thức như: sơ đồ tư duy.
Bước 1: SV thực hiện  đọc hiểu các thông số, quy cách, yêu cầu của bài
Bước 2: Tóm tắt lại nội dung đã nghiên cứu (trình tự, phương pháp may…)  bằng cách lập bảng hay vẽ sơ đồ tư duy.
    - Giảng viên:
 + Hướng dẫn SV ghi nhớ nội dung bài học một cách ngắn gọn, dễ hiểu như: dùng từ khóa, lập bảng, vẽ sơ đồ tư duy;
  + GV kiểm tra, nhận xét nội dung, cách thức ghi bài của SV.
c/  Kết hợp nghe giảng với tự ghi chép
* Mục tiêu:
    - Giúp SV vừa theo dõi được bài giảng của GV để lĩnh hội kiến thức, hiểu kiến thức và tự ghi vào vở những điều cần thiết;
    - Giáo dục cho SV ý thức tự giác, kiên nhẫn, khả năng chú ý vào đối tượng và tư duy nhanh.
* Nội dung:
   -  SV chú ý nghe giảng
   - Chọn lọc kiến thức để ghi chép nội dung bài học theo ý hiểu của bản thân
* Cách thực hiện:
   - SV:
             Trước hết, biết xác định nội dung cần ghi khi nghe giảng: SV có thể tự ghi dàn ý bài học theo dàn bài của GV và đối chiếu khi theo dõi giáo trình để ghi những thông tin (thông số, quy cách, trình tự, phương pháp may…) những kiến thức cơ bản của bài học. Bên cạnh đó SV cần ghi lại những kiến thức phân tích, đánh giá mở rộng của GV khi giảng bài.
Hai là, biết gác lại những chỗ khó chưa hiểu và tìm hiểu điều đó ở phần sau, để việc nghe giảng và ghi chép không bị gián đoạn.
Ba là, tự nêu câu hỏi sau khi nghe giảng để hiểu sâu kiến thức và làm rõ những chỗ chưa hiểu.
   - Giảng viên:
       + Quan sát sự tập chung, chú ý của SV trong bài giảng;
       + GV cần hướng dẫn cho SV ghi lại những kiến thức phân tích, đánh giá mở rộng của GV khi giảng bài.
2.4. Điều kiện về cơ sở vật chất hỗ trợ hoạt động tự học của SV
* Mục đích
            - Tạo điều kiện cho SV tự học, học theo nhóm;
           - Giúp SV rèn luyện tay nghề.
* Nội dung thực hiện
            - Phòng tự học cho SV (xưởng thực hành chuyên ngành may);
            - Phòng đọc trong thư viện;
* Cách thực hiện:
-  Tại mỗi phòng học thực hành cần trang bị đầy đủ về ánh sáng, sự thoáng mát về mùa hè, đầy đủ các thiết bị:
            + 01 tivi có kết nối Internet
            +  02 bàn là
            + 02 bàn làm dấu
            +  02 máy vắt sổ
            +  01 máy 2 kim
            + Các dưỡng có sử dụng trong mã hàng: Dưỡng, cổ, bác tay
            + Các loại cữ có sử dụng: Cữ cuốn viền…
            + Các loại chân vịt: Chân vịt lé, diễu, mí, bánh xe
 - Tại thư viện: Tăng số lượng sách tham khảo về chuyên ngành may, các bộ video về phương pháp may các bộ phận áo sơ mi.
 - Các phòng tự học nên bố trí thường xuyên kể cả ngày thứ 7, chủ nhật.
  
KẾT LUẬN
Tự học của SV là một đòi hỏi thiết yếu, có vai trò đặc biệt quan trọng trong phương thức đào tạo theo tín chỉ. Kết quả và hiệu quả của tự học phụ thuộc chủ yếu vào năng lực tự học của bản thân người học. Tuy nhiên, năng lực tự học lại chịu sự tác động của các yếu tố bên trong thuộc về bản thân người học cũng như các yếu tố bên ngoài như sự giảng dạy của GV, nhà trường, gia đình, xã hội, môi trường xung quanh… Vì vậy, nâng cao tự học của SV chính là nâng cao các yếu tố thuộc nội hàm khái niệm năng lực tự học và nâng cao tính tích cực của các yếu tố tác động đến năng lực tự học của SV. Để nâng cao hiệu quả tự học của SV Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ phía bản thân SV đến phía giảng viên, Nhà trường, Đoàn thanh niên, Hội SV, gia đình và xã hội, trong đó bản thân SV giữ vai trò quyết định.
Tác giả
Ths. Dương Thị Hân – TT. THM

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 330 Tổng truy cập: 31.741.670