Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

QUI TRÌNH XỬ LÝ LỖI CHỐNG TAY ÁO VESTON NAM TRONG THIẾT KẾ VÀ MAY SẢN PHẨM

Ngày đăng: 09:41 - 19/01/2021 Lượt xem: 4.835
        Áo veston là một trong những trang phục đẹp và lịch sự, mang lại sự lịch lãm, quí phái cho người mặc, có thể nói đây là một dòng sản phẩm cao cấp, thường được sử dụng trong công sở, hội nghị, hội thảo… Chính vì vậy nó giữ vai trò rất quan trọng trong may đo hay trong may công nghiệp. Các nhà sản xuất áo veston thường phải đối mặt với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng trong thị trường. Khả năng cạnh tranh chủ yếu dựa vào năng suất và chất lượng. Một trong những yếu tố làm giảm giá trị thẩm mỹ ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm áo veston đó là lỗi xảy ra trong quá trình gia công sản phẩm nhất là phần tay áo. Việc xác định lỗi trong quá trình gia công sản phẩm là một trong các tiêu chí quan trọng trong việc kiểm tra chất lượng sản phẩm áo veston. Đã có nhiều nghiên cứu để hạn chế, khắc phục những hiện tượng sai hỏng đó, nhưng trong thực tiễn sản xuất vẫn còn tồn tại. Thực tế khi giảng dạy môn học cắt may trang phục đối với sinh viên ngành công nghệ may, trong quá trình luyện tập do sinh viên chưa biết cách xử lý để giảm thiểu lỗi. Đối với học phần cắt may trang phục của sinh viên ngành công nghệ may, lỗi chống tay thường xảy ra rất nhiều. Bài viết này tác giả xin giới thiệu đến sinh viên ngành Công nghệ may giúp các em hiểu rõ mục đích, tầm quan trọng của việc phát hiện lỗi và cách xử lý lỗi chống tay áo veston.
1. Một số thuật ngữ chuyên ngành

1.1. Thiết kế mẫu
      Thiết kế mẫu là quá trình thiết kế nên 1 bộ mẫu hoàn chỉnh của 1 sản phẩm mẫu nào đó, dựa vào bảng thông số và yêu cầu của khách hàng. Hoặc dựa vào số đo và đặc điểm hình dáng cơ thể người cụ thể để thiết kế ra sản phẩm,  khi may lên khoác vào cơ thể, nó có kích thước và phom dáng vừa vặn, phù hợp với cơ thể [1].
Hình 1 : Hình ảnh tay áo đạt yêu cầu
1.2. Hiện tượng chống tay
        Hiện tượng chống tay là khi tra tay xong, phần tay áo không khép vào thân áo, tay áo không rơi thẳng, độ rơi của tay không bám sát vào thân, phần nách áo phía trước có một khe hở ở giữa tay áo và thân áo, tạo ra một khoảng chống ở phần tay áo và nách áo phía trước làm cho phần nách áo phía trước bị nhăn dúm thì gọi đó là hiện tượng chống tay (hình 2) [2]
 
 

Hình 2 : Hình ảnh lỗi chống tay áo veston
 
2. Yêu cầu kỹ thuật của phần tra tay áo
    - Khi tra tay xong, đầu tay không nhăn, thẳng, mang trước, mang sau đảm bảo tròn mọng đều, êm phẳng, hai bên đối xứng nhau.
    - Độ rơi của tay thẳng canh sợi với thân, không lảng, không quắp, không thừa bụng tay (hình 1) [3].
3. Qui trình thiết kế và may tay áo veston
Nếu quá trình may và thiết kế tay áo veston nam diễn ra theo dung qui trình sau thì sẽ không sảy ra lỗi
3.1.  Qui trình thiết kế tay áo veston
   3.1.1. Sơ đồ khối (hình 3)

Hình 3 . Sơ đồ khối thiết kế áo veston nam
    3.1.2. Nội dung các bước trong sơ đồ khối
B1.Thiết kế thân sau, thân trước, đề cúp
B2. Thiết kế tay áo
B3. Thiết kế các chi tiết phụ.
B4. Khớp tay với thân
- Kiểm tra chu vi đầu tay và chu vi vòng nách
- Kiểm tra phần thiết kế hạ mang tay so với hạ nách.
- Khớp đường cong của nách và họng tay (hình 14)   
3.2.  Qui trình may tay áo veston
a. Mô tả (hình 1)
- Áo veston tra tay tròn 2 mang với vòng nách
- Đầu tay rút chun bằng kim tay (thủ công) hoặc máy (công nghiệp), tra tay bằng máy may 1 kim hoặc máy chuyên dùng;
- Đầu tay có ken vai tạo dáng đầu vai (hình 4)
Hình 4 : Xác định độ rơi tay áo veston nam
b. Thông số 
Theo số đo của từng cỡ/sản phẩm
c. Quy cách
- Mật độ mũi may: 5 mũi/cm (tùy theo kiểu sản phẩm và chất liệu vải);
- Đường may 0,3 - 0,6: Ghim rút chun tay
- Đường may 0,8: Tra tay
d. Trình tự may
* Công đoạn chuẩn bị:
 Kiểm tra bán thành phẩm, làm dấu;
Bán thành phẩm gồm có: (hình 5)
Thân áo (a): 01                                 Mọng tay (d): 02
Tay áo (b): 02                                   Ken vai (c): 02
Kiểm tra chất lượng bán thành phẩm:
+ Thân áo: Đã chắp và là hoàn thiện vai con, sườn. Kiểm tra phần vòng nách trước, sau tròn, trơn đều.
+ Tay áo: kiểm tra, sửa đầu tay tròn đều

Hình 5. BTP thân, tay, áo veston nam
* Công đoạn may:
Bước 1. May ghim, rút chun đầu tay
- May ghim đầu tay: Từ đường chắp sống tay lấy xuống 7cm (±), kẻ vuông sang phía bụng tay xác định điểm may ghim đầu tay (hình 6)
 + May đường ghim tay thứ nhất: Cách mép vải 0,3 cm, may từ điểm dấu bụng tay đến điểm làm dấu sống tay.
+ May đường ghim tay thứ hai: Cách mép vải 0,6 cm, may tương tự như đường 1
Hình 6. May ghim đầu tay áo veston nam
- Rút chun đầu tay:  Không rút chun đầu tay phía bụng tay, chỉ rút chun đủ độ mọng phía đầu tay, khoảng rút chun lấy quá sống tay 3 cm (hình 7)

Hình 7. Rút chun đầu tay áo veston nam
Bước 2. Khớp tay với thân, may mọng
- Khớp tay với thân: Đặt đường chắp bụng tay cách đường chắp sườn ở thân áo về phía thân trước, các điểm bấm dấu trùng khớp, chu vi đầu tay và chu vi vòng nách bằng nhau.
- May mọng tay: Tay áo đặt ở dưới đường tra hướng lên trên, đặt mọng tay vào mặt trái đầu tay đã rút chun (giữa mọng tay trùng giữa đầu tay) ghim một đường cách mép vải 0,6 cm, ghim hết phần chiều dài mọng tay (hình 8)

Hình 8. May mọng tay áo veston nam
Bước 3. Xác định điểm rơi tay
- Cách 1: May lược đúng các điểm dấu bấm trên đầu tay và vòng nách.
- Cách 2: Cho ken vai vào đặt điểm giữa ken lệch so với đường chắp vai con là 0,5 - 0.7cm về thân sau. Canh sợi dọc của tay rơi thẳng canh sợi dọc của nẹp hoặc che khoảng 1/3  miệng túi dưới. Làm dấu điểm đầu tay tại vị trí chắp vai con (hình 9).

Hình 9. Xác định điểm rơi đầu tay áo veston nam
Bước 4. May tra tay, kiểm tra
- May tra tay: Lược kim tay trước để kiểm tra đạt yêu cầu mới tra trên máy (tay áo đặt trên, thân ở dưới), tra một đường cách mép vải là 0,8cm. Độ rơi tay thẳng canh sợi với thân, đường là bụng tay che khoảng ½ miệng túi 2 viền, đường tra trơn, tay đủ độ mọng, tròn.
Bước 5. May ken vai (hình 10)
- Đặt điểm giữa ken vai lệch so với đường chắp vai con là 0,5 - 0.7cm về thân sau
- Ken vai đặt dưới, thân để trên, may một đường cách mép vải 0,7cm.
Lưu ý: Khi may ken vai để chỉ thưa, chỉnh cho chỉ trên hơi lỏng hơn chỉ dưới

Hình 10. Xác định vị trí đặt ken vai áo veston nam
* Công đoạn kiểm tra:
- Kiểm tra (hình 11)
+ Độ rơi tay                                
+ Thông số;                                          
- Vệ sinh công nghiệp
+ Sạch phấn, chỉ, xơ vải, dầu máy

Hình 11. Kiểm tra độ rơi tay áo veston nam
4. Nguyên nhân dẫn tới hiện tượng chống tay
4.1. Nguyên nhân do thiết kế :
- Do phần thiết kế hạ mang tay nông hơn cơ bản, do đường cong của nách và tay không khớp, không cùng độ cong như nhau [1].
(đoạn AB và A1B1 của tay và thân không khớp phom) (hình 12)
4.2. Nguyên nhân do may:
Khi may phần phom giữa tay áo và thân áo chưa khớp, do đường cong giữa vòng nách và tay áo không có cùng độ cong như nhau. Nhưng khi may, ta cố gò cho 2 lá vải trùng nhau và may đều đường may, chính vì vậy sẽ dẫn tới hiện tượng chống tay (hình 12)
Hình 12 : Hình thiết kế đường cong của thân và tay không khớp
5. Qui trình xử lý lỗi chống tay áo veston nam
 
        Khi phát hiện ra lỗi chống tay áo veston, cần phải tìm được nguyên nhân do may hay do thiết kế. Đồng thời tìm cách khắc phục ngay lỗi đó để đạt chỉ tiêu về chất lượng đề ra thì đó gọi là cách xử lý lỗi nói chung và lỗi chống tay áo veston nói riêng.
5.1. Qui trình xử lý lỗi trong thiết kế.
5.1.1. Sơ đồ khối (Hình 13)        
Hình 13. Sơ đồ khối xử lý lỗi chống tay trong thiết kế áo veston nam
5.1.2. Nội dung các bước xử lý trong sơ đồ khối (Hình 13)
B1. Khớp lại chu vi đầu tay, vòng nách
B2. Khớp lại các vị trí dấu bấm
B3. Đặt thân và tay vào để kiểm tra hạ nách và hạ mang tay
B4. Sửa cho vòng nách và đầu tay khớp phom
B5. Kiểm tra thông số rộng bắp tay hạ mang tay phù hợp
B6. Chỉnh chu vi đầu tay lớn hơn chu vi vòng nách 3 - 4 cm (hình 14)

Hình 14 : Hình thiết kế mẫu lồng tay và thân
- Thiết kế mẫu lồng (hình 14)
- Có thể khắc phục bằng cách  đặt thân trước, đề cúp, thân sau khớp với đầu tay, xem
đã khớp phom hay chưa, nếu chưa khớp phom có thể chỉnh sửa lại, làm sao vị trí nách thân trước, đề cúp và họng tay, mang to, mang nhỏ, trùng khít lên nhau, đo chu vi đầu tay lớn hơn chu vi vòng nách từ 3 đến 4 cm, làm các vị trí dấu bấm ở vòng nách và đầu tay theo qui định (hình 13).
5.2. Qui trình xử lý lỗi trong kỹ thuật may.
5.2.1. Sơ đồ khối (hình 15).

Hình 15. Sơ đồ khối xử lý lỗi chống tay trong may áo veston nam
 
Hình 16 : Hình ảnh tay và thân không khớp

Hình 17 : Hình ảnh tay áo sau khi xử lý lỗi
 
5.2.2. Nội dung các bước xử lý trong sơ đồ khối (hình 14).
B1. Tháo tay ra khỏi thân
B2. Lấy lại các vị trí dấu bấm
B3. Điều chỉnh phom tay cho khớp với thân (hình 14)
B4. Kiểm tra chu vi đầu tay thừa hơn vòng nách 3 - 4 cm
B5. Lấy lại độ rơi tay cho phù hợp
B6. Tra tay theo đúng qui trình (hình 8; hình 9; hình 10; hình 11) 
- Trong quá trình may phải xác định đúng vị trí dấu bấm, đầu tay rút chun đúng qui định, khớp phom sau đó mới tiến hành may (hình 16)  
B7. Kiểm tra và hoàn thiện sản phẩm (hình 17) 
       Kết luận: Trên đây là một số lỗi ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng may và thiết kế tay áo veston nam cơ bản, đó là hiện tượng chống tay. Đây sẽ là tài liệu tham khảo để cho sinh viên ngành công nghệ may hiểu rõ về nguyên nhân và cách xử lý hiện tượng chống tay nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong học tập cũng như thực tập sản xuất công nghiệp. Khi may và khi thiết kế phải thực hiện theo một quy trình, thao tác hợp lý để sản phẩm đạt yêu cầu kỹ thuật, tạo niềm tin cho khách hàng. Từ đó giúp doanh nghiệp cải thiện năng suất, chất lượng và giảm thời gian chế tạo sản phẩm. Đây là mục tiêu quan trọng, cần thiết, giúp các em sinh viên ngành Công nghệ may hiểu rõ về quy trình may, quy trình thiết kế, phương pháp may, phương pháp thiết kế thực hiện đúng quy trình, kỹ năng cơ bản, cốt lõi ngay từ những buổi học đầu tiên của học phần cắt may trang phục.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Kiều Thị Lan Anh (2019), Giáo trình thiết kế trang phục 1, NXB Giáo dục.
2. Lã Thị Ngọc Anh: Đại học Bách Khoa Hà Nội và Vũ Mai Hiên; Đại học Nghệ thuật TW Hà Nội, Một số lỗi sai hỏng thường gặp khi gia công nách áo và đầu mang tay áo
3. https://www.slideshare.net/garmentabc/ky-thuat-may-ao-vest-va-mt-s-sai-hng-thng-gp-71511208
 
                                                                                               Gv. Nguyễn Thị An
                                                                                                 Khoa công nghệ may
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 32 Tổng truy cập: 18.648.416