Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM THỰC HÀNH MAY

Vượt ‘bão COVID-19', Vinatex lãi gấp đôi, đạt 1.200 tỷ đồng năm 2021

Ngày đăng: 02:35 - 27/12/2021 Lượt xem: 532
 

Thị phần toàn ngành dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới chỉ sau Trung Quốc, còn Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) ghi nhận mức lợi nhuận kỷ lục trong năm 2021.

 
Ảnh 1. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí chiều 23/12.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt báo chí thông tin về kết quả sản xuất kinh doanh và phong trào công nhân lao động năm 2021 diễn ra chiều 23/12 do Tập đoàn Dệt may (Vinatex) tổ chức, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2021, kết quả kinh doanh của tập đoàn tăng trưởng tốt.

“Với vai trò là hạt nhân, nòng cốt dẫn dắt các giải pháp chung của ngành, hoạt động của Vinatex và các đơn vị thành viên được duy trì hiệu quả, đặc biệt, các doanh nghiệp ngành sợi có mức tăng trưởng “ngoạn mục” cả về doanh thu và lợi nhuận”, ông Cao Hữu Hiếu khẳng định.

Theo đó, năm 2021 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 nhưng Vinatex vẫn ghi nhận doanh thu 16.436 tỷ đồng, bằng 110,7% so với 2020 và lãi trước thuế 1.200 tỷ đồng, tăng gấp đôi cùng kỳ, đạt 170% kế hoạch. Mức lãi này cũng cao hơn năm 2019, thời điểm trước dịch là tới 70%.

"Kết quả đạt được nằm ngoài các dự báo, tập đoàn vẫn duy trì được khách hàng và tăng trưởng rất tốt bất chấp dịch bệnh. Có những chỉ tiêu tăn gấp đôi so với trước dịch", Tổng Giám đốc Vinatex nói.

Không chỉ đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, Vinatex còn mở rộng đầu tư xây dựng các nhà máy mới, đưa vào hoạt động Nhà máy Sợi 3, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài với quy mô 32.000 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 6/2021; Nhà máy Sợi 2, Công ty CP Vinatex Phú Hưng với quy mô 22800 cọc sợi, đi vào hoạt động từ tháng 10/2021. Đây là cơ sở để Vinatex nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ của các Hiệp định Thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)…
Lý giải lý do vì sao Vinatex giữ vững nhịp tăng trưởng trong năm 2021, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, đó là bài học về việc ưu tiên bảo toàn lực lượng lao động. Vinatex luôn tuân thủ phương châm người lao động là tài sản đáng quý nhất của doanh nghiệp.

“Nhờ các doanh nghiệp duy trì liên kết chặt chẽ với người lao động, ngay trong tháng đầu khi cả nước bước vào “bình thường mới” tỷ lệ huy động lao động quay trở lại làm việc của toàn tập đoàn đã đạt 85 - 90%. Tới thời điểm hiện nay thì Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã lấy lại được toàn bộ lực lượng lao động”, ông Cao Hữu Hiếu nêu rõ.

Chia sẻ về định hướng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam trong năm 2022, tầm nhìn 2025, ông Vương Đức Anh, Chánh văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nhận thấy làm chủ nguyên liệu trong nước là “chìa khóa” giúp phát triển bền vững, chắc chắn hơn trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài.

Vinatex cùng các đơn vị thành viên tiếp tục đẩy mạnh phối hợp xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ sợi -dệt - nhuộm - may hướng tới trở thành “một điểm đến trọn gói cho khách hàng trong ngành dệt may thời trang”. Với mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025 là hình thành năng lực cung ứng đủ lớn cho ngành hàng dệt kim, đáp ứng được yêu cầu ban đầu của các chuỗi cung ứng quy mô lớn của thế giới, trên nền tảng của ngành sợi đã khá phát triển trong 5 năm qua, cùng với một ngành may quy mô và có uy tín.

Để hoàn thành mục tiêu trên, Vinatex triển khai đồng bộ các giải pháp về tạo liên kết chuỗi sản xuất dệt may thông qua việc quy hoạch quy mô sản xuất công nghiệp của tập đoàn trong giai đoạn tới. Đặc biệt, tập trung thực hiện chuyển đổi số - coi đây là chìa khóa để đảm bảo cho việc thực hiện thành công mục tiêu chiến lược giai đoạn 2022 - 2025.

Về kịch bản xuất khẩu của ngành dệt may năm 2022, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đưa ra ba kịch bản. Kịch bản 1, nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát cơ bản vào quý I, kim ngạch xuất khẩu 42,5 - 43,5 tỷ USD; Kịch bản 2, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 40 - 41 tỷ USD nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát vào quý II; Kịch bản 3, nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp và kéo dài đến cuối năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt mức thấp nhất 38 - 39 tỷ USD.

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành dệt may ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Giữ được vị trí trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may và được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá ở vị trí cao nhất trong cơ hội phục hồi năm 2022.


Nguồn: https://baotintuc.vn/kinh-te/vuot-bao-covid19-vinatex-lai-gap-doi-dat-1200-ty-dong-nam-2021-20211223184034765.htm

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 168 Tổng truy cập: 32.428.001