Dệt may Việt Nam nay đã khác

Ngày đăng: 08:52 - 04/01/2019 Lượt xem: 1.798
Không còn mục tiêu tạo việc làm, dệt may Việt Nam (DMVN) hướng tới đầu tư từ chất lượng, đào tạo nghề, giữ thợ đến máy móc thiết bị tiên tiến. Đây là chiến lược trọng điểm tạo bệ phóng để DMVN bước lên con đường phát triển bền vững.

Đến thời điểm này, gần 100% các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa trong ngành DMVN có chứng chỉ đánh giá của các hãng thế giới về tăng trưởng xanh, tiêu thụ năng lượng xanh, sản xuất xanh... Điều đó cho thấy chuẩn mực của ngành DMVN là tương đối tốt.


Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường

Hơn nữa, năm 2018, DMVN đã khắc phục được câu chuyện làm thêm giờ. Xu thế hiện nay, công nhân chỉ làm từ 44 - 48h, thể hiện sự phát triển bền vững. Chính sự hấp dẫn đó đã khiến lao động tại khu vực trung tâm cũng rất dễ thu hút. Điều đó chứng tỏ ngành dệt may đã và đang xây dựng thành công hình ảnh, dù cạnh tranh lao động vẫn còn gay gắt.

"Xét trên bình diện tổng thể thì hình ảnh lao động của dệt may đã khác, làm cho sức cạnh tranh tổng thể theo kịp các tiêu chuẩn mới của thế giới về sản xuất, về môi trường, về quan hệ lao động", ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ.

Dẫn chứng thêm về điều này, ông Trường ví dụ, trước đây May Hưng Yên trả lương tương đối cao cho người lao động. Tuy nhiên, bù lại người lao động phải làm thêm giờ. Đến thời điểm này, mặc dù lương trung bình của người lao động tại đây ở mức 9.000.000 đồng/tháng, nhưng không tăng ngày công, có thêm ngày nghỉ, có phụ cấp. Điều đó đã khiến hình ảnh dệt may được nâng lên rất nhiều.

Về phía Tập đoàn, năm nay doanh thu của Vinatex tăng khoảng 11% (trong khi toàn ngành tăng 16%), chủ yếu tăng do nội tại, tăng năng suất, chất lượng và tăng đầu tư chiều sâu, đầu tư thiết bị tự động hóa… trong khi toàn ngành có sự đóng góp của các dự án mới.



Thay vì đầu tư một nhà máy mới thì các đơn vị thành viên của Tập đoàn, đơn cử như May 10 đầu tư khâu cắt tự động, giúp công nhân đỡ vất vả, đạt được độ chính xác cao hơn, những khâu cực khó đều sử dụng robot hóa, thay thế được 8 công nhân tại cùng 1 công đoạn. Thậm chí những kỹ thuật hóc hiểm của áo veston nam cũng đã được thay thế bằng máy móc tự động.

Ông Trường lý giải thêm: "Năm 2018, Tập đoàn tập trung vào tái đầu tư nhưng không theo chiều rộng mà nâng cao lên một bước về chất lượng công nghệ, do vậy nhìn về số lượng người lao động chỉ bằng 98% năm trước, đây là một đổi mới. Nếu xét theo khía cạnh tạo việc làm có vẻ sẽ không ổn nhưng quan điểm của Tập đoàn là nâng cao về chất lượng và tính hấp dẫn của nghề, giúp người công nhân có việc làm ổn định hơn. Nhờ đó, tỷ lệ lợi nhuận của Tập đoàn năm 2018 đã tăng gấp đôi tỷ lệ tăng trưởng kim ngạch".

Ông Lê Tiến Trường khẳng định, trước đây khi thị trường tương đối dễ thì mục tiêu là tạo thêm việc làm, còn hiện nay, mục tiêu là phải tạo việc làm bền vững và được người lao động trên thị trường chấp nhận. Điều đó cho thấy mục tiêu đã khác hẳn. Có được kết quả ngày hôm nay là bước đi chiến lược theo hướng tự động hóa cao, tạo ra môi trường làm việc hợp lý hơn, ít căng thẳng hơn, ít thời gian hơn là hướng đi đúng.

Có thế thấy rằng, vừa phát triển, tăng trưởng, vừa đảm bảo lợi nhuận hiệu quả, đảm bảo bền vững việc làm cho người lao động là một mục tiêu mới hoàn toàn đúng đắn của ngành DMVN.

- Nguồn: petrotimes.vn

Các bài viết khác

Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.092 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.299 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.082 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.304 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
5.930 lượt xem

Liên kết website