Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam năm 2017

Ngày đăng: 10:58 - 17/01/2018 Lượt xem: 1.505
Trong năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự quan tâm giúp đỡ của các Bộ, ngành, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, duy trì đà tăng trưởng ổn định. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước đạt 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016. Để đánh giá thực trạng ngành dệt may, kết quả hoạt động Hiệp hội năm 2017, trên cơ sở đó để ra chiến lược phát triển ngành trong năm 2018 và giai đoạn tiếp theo, ngày 15/12/2017 tại Đà Nẵng, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 2017 với chủ đề “khẳng định vị thế - đầu tư chiến lược - hội nhập toàn diện”.

 

Các đại biểu, quan khách tham dự hội nghị

Tham dự Hội nghị về phía Bộ Công Thương có ông Cao Quốc Hưng - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Ông Bùi Xuân Khu nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương, Bà Trương Thi Thu Hà - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp. Về phía Công đoàn Dệt may có ông Lê Nho Thướng - Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam. Về phía Viện Kinh tế Việt Nam có ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng tham dự, cùng các Ông bà trong Ban Cố vấn, các Phó Chủ tịch Hiệp hội, các vị khách quý, Ủy viên BCH, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp Hội viên VITAS.

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo

Thứ trưởng Bộ Công Thương - Ông Cao Quốc Hưng có bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Bài phát biểu với nội dung khái quát, định hướng rõ ràng, khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương, ủng hộ và tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam. 

Luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp dệt may

Trong năm 2017 Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động xây dựng chiến lược và các chương trình phát triển ngành dệt may, tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức dệt may quốc tế và khu vực. Đặc biệt, phối hợp có hiệu quả với các Bộ ngành, các tổ chức trong và ngoài nước trong việc kiến nghị để cải thiện môi trường SXKD cho các DN, vận động đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may tại Việt Nam, xúc tiến mở cửa thị trường xuất khẩu và chống các rào cản thương mại quốc tế, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, góp phần tích cực trong việc xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu

Phát biểu tại Hội nghị, Ông Vũ Đức Giang đã nêu 1 số đề xuất kiến nghị với Bộ Công thương và các bộ, ngành liên quan. Đó là:

- Sớm hoàn tất quy hoạch ngành dệt may để trình Chính phủ.

- Về các hiệp định FTA mà Việt Nam tham gia và chuẩn bị có hiệu lực, đề nghị sớm đưa ra các hướng dẫn và khuyến cáo cho các DN.

- Về cơ chế chính sách – đề nghị đẩy nhanh tiến độ bổ sung sửa đổi các chính sách, cơ chế để theo kịp với những thay đổi của thị trường, tạo điều kiện thông thoáng cho DN.

- Đề nghị giảm thuế nhập khẩu xơ PE từ 2% về 0%.

- Kiểm soát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, có cơ chế, biện pháp hữu hiệu chống hàng giả, hàng nhái.

- Xây dựng và triển khai đề án chiến lược phát triển thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới. Trong đó có cơ chế và chính sách hỗ trợ. VITAS sẽ đề xuất về những thương hiệu có khả năng trong ngành dệt may.

- Có cơ chế kiểm soát chặt chẽ vấn đề chuyển giá để tạo sự bình đẳng giữa các DN FDI và DN Việt Nam.

- Đề nghị triển khai công tác thi đua khen thưởng kịp thời để công tác này có tác dụng thực sự là động lực đối với DN.   

- Đề nghị thoái hết vốn nhà nước trong các DN dệt may

- Nâng cao vai trò chủ trì của Bộ trong chiến lược đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu trong các khâu nguồn cung thiếu hụt. Các trường của Bộ và ngành bổ sung trong chương trình những nội dung mới như quản trị theo công nghệ hiện đại, thiết kế, cách mạng CN 4.0…

Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để cùng phát triển bền vững. 

Hội nghị đã được nghe các báo cáo chuyên đề của các chuyên gia đầu ngành: TS. Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VITAS, Ông Lê Tiến Trường - Phó Chủ tịch VITAS kiêm TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam. TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Lê Quốc Ân - Trưởng Ban Cố vấn VITAS.

 

Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/Tổng giám đốc VINATEX phát biểu

Nội dung các chuyên đề tập trung đánh giá kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2017; kế hoạch hoạt động của ngành năm 2018 và tầm nhìn đến năm 2020, 2030; cập nhật về tình hình kinh tế Thế giới và Việt Nam; những cơ hội cũng như thách thức của ngành khi Việt Nam tham gia các Hiệp định Thương mại tự do; cũng như đánh giá tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 (CN 4.0) đối với ngành Dệt May Việt Nam.

 

Ông Lê Quốc Ân – Trưởng ban Cố vấn VITAS tham luận

Về CN 4.0, Ông Lê Quốc Ân – Trưởng ban Cố vấn VITAS cho biết, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet sẽ tạo ra sự khác biệt lớn và đặt ra nhiều vấn đề trong chu trình sản xuất kinh doanh dệt may. Đó là tự động và robot hóa, công nghệ số trong quản lý và nhà máy thông minh. DN cần dự tính đến khả năng dư thừa lao động. Ông Ân nêu rõ những nội dung mà DN dệt may cần chuẩn bị để ứng phó với CN 4.0. Đó là tổ chức tiếp cận và khả năng áp dụng 4.0, tăng chất lượng sản phẩm và năng suất lao động bằng công nghệ số, nâng cao tự động hóa, có chiến lược xây dựng thương hiệu và tạo chuỗi liên kết chặt chẽ trong chuỗi cung ứng.

 

Toàn cảnh Hội nghị

Tổng kết hội nghị, Chủ tịch VITAS - ông Vũ Đức Giang – đề nghị các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực nguồn cung thiếu hụt: dệt, nhuộm, thiết kế…; tăng cường giải pháp phát triển thương hiệu trên thị trường nước ngoài; tạo bước đột phá trong chuyển đổi ODM, OBM; nâng cao nhận thức về các FTA, CPTPP… để tận dụng những lợi thế của các Hiệp định này; xây dựng giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng của bối cảnh hội nhập và CN 4.0. Ông Giang cũng đề nghi các DN hội viên quan tâm, đóng góp ý kiến vào các dự thảo chính sách, pháp luật; tham gia tích cực trong các chương trình XTTM, hội chợ triển lãm để thể hiện sức mạnh của ngành trên trường quốc tế. Ông Giang đã kêu gọi cộng đồng DN dệt may hãy cùng liên kết chặt chẽ với nhau dưới mái nhà chung VITAS; tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức để cùng tồn tại và phát triển bền vững. 

Trích nguồn: vietnamtextile.org.vn

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.162 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.285 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.486 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.283 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.489 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.778 lượt xem

Liên kết website