Hội nghị tổng kết VITAS 2018: “Khẳng định vị thế - Phát triển bền vững”

Ngày đăng: 09:40 - 25/12/2018 Lượt xem: 1.487
Ngày 14/12/2018 tại Vĩnh Phúc, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 2018 với chủ đề “khẳng định vị thế - Phát triển bền vững” nhằm tổng kết đánh giá hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu ngành dệt may thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng năm 2018, đồng thời đưa ra dự báo và kế hoạch phát triển ngành trong năm 2019 và triển vọng giai đoạn 2020 – 2025.


Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch 
VITAS phát biểu

Phát biểu khai mạc, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho biết, tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam năm 2018 ước đạt trên 36 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 18 tỷ USD. Kinh tế Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành dệt may. Mục tiêu của năm 2019 dự tính kim ngạch xuất khẩu là 40 tỷ USD. Thặng dư thương mại toàn ngành đạt khoảng 20 tỷ USD. Hội nghị sẽ bàn các giải pháp phát triển theo hướng bền vững và xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.


Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tham luận

Hội nghị đã được nghe Ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam tham luận về: Chủ nghĩa bảo hộ và những tác động đến kinh tế Việt Nam và ngành dệt may; Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/ TGĐ VINATEX trình bày về Chiến tranh thương mại Mỹ Trung – nhận diện những nguy cơ cho ngành dệt may VN; Ông James Philipp – Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn TAL trao đổi về ngành dệt may VN và vấn đề phát triển bền vững. Các đại biểu cũng được nghe Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội nói về đào tạo nguồn nhân lực trong bối cảnh CMCN 4.0; Ông Võ Mạnh Hùng – Đại diện CCI chia sẻ về liên kết nguồn cung nguyên liệu và SX dệt may và Ông Nguyễn Duy Minh – TTK Hiệp hội Logistic đề xuất các giải pháp cắt giảm chi phí Logistic cho ngành dệt may.   

Năm 2018 - Luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp dệt may - khẳng định vị thế

Năm qua, Hiệp hội đã có nhiều nỗ lực trong công tác vận động chính sách, xây dựng các chương trình phát triển ngành dệt may, phối hợp có hiệu quả với các tổ chức trong và ngoài nước nhằm kiến nghị về tháo gỡ khó khăn, cải thiện môi trường SXKD cho các DN. Đặc biệt tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức dệt may quốc tế và khu vực, vận động đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may tại Việt Nam, chống các rào cản thương mại quốc tế, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao vị thế của ngành dệt may Việt Nam.


Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch/TTK VITAS

Đánh giá về công tác vận động chính sách của Hiệp hội, Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch/TTK VITAS cho biết, năm 2018, Hiệp hội đã có nhiều kiến nghị đề xuất với Chính phủ, các Bộ ngành tháo gỡ những chính sách gây khó khăn cho DN. Nhiều chính sách đã được bộ, ban, ngành tiếp thu sửa ngay trong năm. Hiệp hội đã triển khai nhiều các hoạt động trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, xúc tiến thương mại, công tác hội viên, đào tạo, công tác thông tin truyền thông…Các hoạt động này đã thu hút được đông đảo DN tham gia và được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho DN.   


Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/ TGĐ VINATEX phát biểu

Ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch VITAS/ TGĐ Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã trao đổi về tình hình kinh tế thế giới, cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chuỗi giá trị dệt may toàn cầu và dự báo những khả năng ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc tới các DN dệt may. Ông Trường cũng đề nghị DN dệt may hội viên quan tâm hỗ trợ tài chính, đóng hội phí, góp ý kiến vào các dự thảo chính sách, pháp luật; tham gia tích cực trong các chương trình XTTM, hội chợ triển lãm… để các hoạt động nghiên cứu, tham vấn chính sách của VITAS thực sự có chiều sâu và có tác dụng thiết thực hơn cho mỗi DN cũng như toàn ngành dệt may.   

Tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam năm 2018 ước đạt 36,1 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%. Giá trị thặng dư ngành dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39 %. Trong năm 2018 có tổng số 146 dự án nước ngoài đầu tư vào ngành dệt may Việt Nam với số vốn đăng ký đạt 1,71 tỷ USD, nâng tổng số dự án FDI từ trước đến nay lên 2.225 dự án với tổng số vốn đăng ký đạt 17,46 tỷ USD.


Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng phát biểu chỉ đạo

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của VITAS và ngành dệt may trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết Bộ Công thương đã xem xét nghiệm túc và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác để giải quyết những kiến nghị của ngành dệt may. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đề nghị VITAS: làm tốt vai trò đầu mối, tăng cường thúc đẩy xuất khẩu, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hội viên, xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, có nhiều giải pháp để tận dụng các FTA. Thứ trưởng cũng khẳng định quyết tâm của Bộ Công Thương, ủng hộ và tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.

Năm 2019 - Tiếp tục phát triển bền vững theo hướng xanh hóa ngành dệt may

Trong năm tới, tình hình có nhiều dấu hiệu khả quan: số lượng đơn hàng tăng hơn, dòng vốn đầu tư vào công đoạn dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang nhiều lên tạo điều kiện hoàn chỉnh từng bước chuỗi cung ứng dệt may, sản phẩm có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao hơn cũng như thời điểm có hiệu lực của các FTA sắp đến là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động SXKD của dệt may Việt Nam. Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10.8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động. 


Toàn cảnh hội nghị

Đại diện Lãnh đạo VITAS cho rằng, để đạt được các mục tiêu nêu trên, các DN trong ngành phải chung tay thực hiện  những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành. Hiệp hội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò là đầu mối liên kết giữa DN hội viên với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, đào tạo… Trong đó, đặc biệt nâng cao vai trò là cầu nối giữa các DN và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận phản ánh của DN để tổng hợp, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho DN.

Hiệp hội đã có những kiến nghị đối với Chính phủ: tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho DN, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng; Có chính sách hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở đào tạo dệt may, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may; Nhà nước sớm thông qua luật về Hội và quy định các DN 100% vốn nước ngoài được tham gia là thành viên chính thức của Hiệp hội để phối hợp hoạt động, hình thành chuỗi liên kết, trao đổi, học tập kinh nghiệm của nhau.

Đối với các Bộ, ngành: Hiệp hội đề nghị không ban hành thêm các văn bản làm khó khăn cho DN (ví dụ các quy định về phí CIC, DO, phí vệ sinh container cộng và trị giá tính thuế trong năm 2018…). Đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT-BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may từ ngày 01/01/2019.  Đối với các địa phương: Đề nghị tạo điều kiện thu hút và cấp phép các dự án đầu tư lớn, có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện với môi trường vào khâu dệt nhuộm để giải quyết điểm “thắt cổ chai” của ngành và đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, không thu hút các dự án cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn. Các địa phương liền kề cần phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh…

Lãnh đạo VITAS tặng KNC cho các DN tài trợ

Kết luận Hội nghị, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS nhấn mạnh, trong năm 2019 có nhiều thách thức và cơ hội, toàn ngành cần tập trung cho những giải pháp quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững. Đó là các giải pháp: Xây dựng cộng đồng chuỗi liên kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt, tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới; Tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA; Áp dụng các công nghệ, phương pháp quản trị tiên tiến; Xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB, ODM; Đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách tốt để tạo sự gắn kết lâu dài của NLĐ với doanh nghiệp. Trong năm 2019, VITAS sẽ kỷ niệm 20 năm thành lập và triển khai chương trình bình chọn DN dệt may tiêu biểu. Ông Giang đề nghị UV BCH, các ban chuyên môn và chi hội xây dựng chương trình hành động để triển khai những định hướng của Hiệp hội, tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ và chỉ tiêu mà hội nghị đã đề ra, góp phần vào việc phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

Lãnh đạo Bộ Công thương, VITAS và các diễn giả tại hội nghị

Ông Hoàng Xuân Hiệp – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Dệt May Hà Nội phát biểu


Ông James Philipp – Đại diện Tập đoàn TAL phát biểu


Ông Nguyễn Duy Minh – TTK Hiệp hội Logistic phát biểu

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Đại diện CCI phát biểu

Các đại biểu tham dự hội nghị

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.115 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.242 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.447 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.230 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.446 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.581 lượt xem

Liên kết website