Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng ứng dụng khoa học công nghệ

Ngày đăng: 01:49 - 15/12/2017 Lượt xem: 638
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), khác với kết quả của nhiều năm trước, năm 2016 là một năm đầy khó khăn của ngành dệt may nước ta. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt với các doanh nghiệp tại Campuchia, Bangladesh,… (do các nước này có các Hiệp định thương mại tự do FTA với các nước như Mỹ, châu Âu nên được hưởng thuế suất thấp hơn), tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra phổ biến ở nhiều quốc gia sản xuất, xuất khẩu mặt hàng dệt may như Việt Nam. Ngành Dệt May Việt Nam đã nỗ lực giữ vị trí xuất khẩu của mình bằng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp về kỹ thuật công nghệ và tìm kiếm nguồn cung ứng phù hợp là trọng tâm. Tại Hội nghị tổng kết hoạt động của Hiệp hội Dệt May năm 2016 vào ngày 17/12 tại Nha Trang, Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội đã nhấn mạnh “nếu không có chiến lược phát triển khoa học công nghệ thì ngành Dệt May Việt Nam sẽ mất dần cơ hội phát triển”.
 
Trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường, các doanh nghiệp trong nước phải khai thác tận dụng tối đa các nguồn lực hiện có để tạo ra sức mạnh tổng hợp, hướng tới phát triển ổn định và bền vững, tạo nên thương hiệu khác biệt,… Để tạo dựng được điều này, vai trò ứng dụng khoa học công nghệ là rất quan trọng. Để tăng năng lực cạnh tranh phải tăng được năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Năng suất lao động và chất lượng sản phẩm phụ thuộc nhiều vào công nghệ và dây chuyền thiết bị đang sử dụng nghĩa là yếu tố khoa học kỹ thuật.
 
Thực tế trong năm 2016, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, mở rộng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại, sử dụng dây chuyền thiết bị có trình độ tự động hóa cao, tính đồng bộ cao, ít lao động, ít diện tích nhà xưởng, tiêu tốn ít nguyên liệu nhiên liệu (điện hơi nước), giảm lượng chất thải đầu ra,… với giải pháp này sức cạnh tranh của đơn vị đã từng bước được nâng lên, đặt nền móng cho sự tăng trưởng ổn định và phát triển bền vững.


Ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến trong ngành Sợi, thiết bị tự động hóa, tự động đổ sợi, vận chuyển ống sợi thô tự động sang máy sợi con, tự động đổ sợi con, tự động vận chuyển ống sợi con sang máy đánh ống sợi, tự động đổ búp sợi đầy trên máy đánh ống sợi đã giảm được số lượng công nhân đứng máy, nâng cao chất lượng sợi, bên cạnh đó còn làm giảm được yếu tố chủ quan do con người can thiệp vào máy móc thiết bị. Sử dụng thiết bị thí nghiệm để kiểm tra kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, từ đó có phương án pha trộn nguyên liệu khoa học hợp lý mang lại hiệu quả cao; theo dõi kiểm soát chất lượng các bán chế phẩm chặt chẽ, có phương án điều chỉnh thông số công nghệ thiết bị kịp thời đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn của khách hàng. Nghiên cứu phát triển, chế thử tạo ra các mặt hàng có giá trị cao như sợi chi số cao, sợi compact, sợi siro, sợi slub, sợi có lõi đàn tính cao, sản xuất các loại sợi từ xơ tái chế như polyester góp phần giảm ô nhiễm môi trường. Sử dụng nguyên liệu mới như xơ Modal, viloft, sữa đậu nành, bắp, tre,… tạo ra sản phẩm khác biệt có giá trị cao, mở ra thị trường mới hấp dẫn, thị trường niche, hướng tới phát triển ổn định và bền vững.

 
Sản xuất sợi siro trên máy kéo sợi
 
Lĩnh vưc Dệt Nhuộm, tập trung đầu tư vào khâu chuẩn bị dệt, tạo nên chế phẩm trung gian có chất lượng cao (trục dệt, búp sợi) đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để khai thác tối đa các chức năng, tốc độ của máy dệt vải. Sử dụng chất bột hồ pha chế sẵn nhằm giảm năng lượng, hơi, nước, giảm được thời gian khâu chuẩn bị cũng như lượng chất thải ra. Nhuộm sử dụng thiết bị nhuộm có dung tỷ thấp, tiết kiệm nước, hóa chất chất trợ, điện hơi và nhân công. Từng bước áp dụng kỹ thuật tái sử dụng hơi, nước nóng, các hệ thống khép kín để tái chế hoàn toàn dung môi, các hệ thống định lượng chính xác hóa chất trong xử lý ướt tạo ra sản phẩm vải thân thiện với môi trường, đáp ứng các yêu cầu vệ sinh, sinh thái dệt cho người tiêu dùng. Ứng dụng công nghệ sản xuất vải giảm trọng, vải có xử lý chống nhàu chống co, vải yarndyed, vải từ sợi biến tính dễ thấm hút mồ hôi, thoáng khí, chống khuẩn, chống tia UV,… tạo ra các sản phẩm có tính khác biệt, có giá trị cao phù hợp với xu thế sản xuất thân thiện với môi trường, sản xuất xanh.
 
Song song với giải pháp đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ thiết bị, các doanh nghiệp đã mạnh dạn thay đổi mô hình quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật, quản lý thiết bị bảo dưỡng máy móc, ứng dụng tin học trong điều hành và thống kê dữ liệu sản xuất một cách chính xác, khoa học, được cập nhật kịp thời nhanh chóng. Áp dụng mô hình quản lý theo từng công đoạn sản xuất gắn trách nhiệm của người quản lý, có thể phản ứng nhanh kịp thời, cũng như phát huy tối đa năng lực sáng tạo sáng kiến, tính chủ động trong điều hành quản lý sản xuất. Áp dụng phương thức sản xuất Lean, 5S, TQM,… trong may mặc, hợp lý hóa, tiết kiệm diện tích mặt bằng, nguyên liệu, nhân công, tối ưu hóa các thao tác vận hành, tạo ra môi trường làm việc thông thoáng khoa học. Sử dụng máy trải vải tự động, chuyền treo tự động để vận chuyển sản phẩm, tăng cường sử dụng các công cụ dụng cụ thiết bị hỗ trợ cữ gá, thiết bị chuyên dụng nhằm tăng năng suất ổn định chất lượng, giảm số người lao động trên dây chuyền.
 
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp duy trì thường xuyên hoạt động rèn luyện kỹ năng tay nghề cho người lao động thông qua các kỳ thi thi nâng bậc, tổ chức Hội thi thợ giỏi cấp Công ty, cấp Tập đoàn – Ngành.
 
 

Vải đặc biệt được cấy chip để theo dõi các thông số y tế
 
Cũng trong thời gian qua, khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mạiquốc tế, đồng nghĩa với việc phải thực hiện nhiều cam kết quan trọng, trong đó có Hiệp định về rào cản kỹ thuật trong thương mại (chủ yếu là các rào cản về an toàn sản phẩm) có tác động to lớn đến ngành công nghiệp dệt may. Các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã phải đương đầu với các rào cản ngày càng tinh vi, phức tạp thông qua các luật, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các biện pháp hành chính của thị trường nước nhập khẩu.
 
Trong thời gian tới, để tồn tại và phát triển, ngành dệt may phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến, áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, phải tuân thủ các qui định bắt buộc về an toàn cho sản phẩm dệt may để có thể xuất khẩu hay gia công hàng cho các nhãn sinh thái, các nhà bán lẻ lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần tập trung xây dựng hệ thống tiêu chuẩn/qui chuẩn kỹ thuật quốc gia theo hướng chuẩn hóa phù hợp, hài hòa với thông lệ quốc tế, đảm bảo uy tín cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Phải thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn sản phẩm thì Ngành dệt may nước ta mới nâng cao được sức cạnh tranh và hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới.
 
Nguyễn Sỹ Phương – Trưởng Ban Kỹ thuật Công nghệ Vinatex
 
(Theo vinatex.com)

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.162 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.285 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.486 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.283 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.489 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.778 lượt xem

Liên kết website