Trong bối cảnh hội nhập, các doanh nghiệp (DN) dệt may có nhiều cơ hội tiến sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tăng năng suất lao động (NSLĐ), bên cạnh việc áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) các doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phóng viên Báo Công Thương có cuộc trao đổi với TS. Hoàng Xuân Hiệp- Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội về vấn đề này.
TS. Hoàng Xuân Hiệp-Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội
Theo ông, chất lượng nguồn nhân lực có vai trò như thế nào trong việc nâng cao năng suất, chất lượng tại các doanh nghiệp dệt may?
Bất kể trong lĩnh vực sản xuất nào, NSLĐ đều phụ thuộc lớn vào các yếu tố: KHCN, công cụ quản lý và chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, đối với các lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều lao động như dệt may thì nguồn nhân lực chất lượng cao giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng.
Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao còn giúp các DN có thể ứng dụng công nghệ 4.0 vào quá trình sản xuất nhằm tự động hóa, số hóa quá trình sản xuất của ngành dệt may, qua đó nâng cao nhanh NSLĐ và chất lượng sản phẩm của các DN dệt may. Đồng thời, giúp DN có thể ứng dụng nhanh chóng các mô hình quản trị hiện đại như: Mô hình sản xuất tinh gọn (LEAN), quản trị đúng lúc (Just In Time) vào quá trình sản xuất, giúp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả của toàn bộ quá trình sản xuất.Nguồn nhân lực chất lượng cao giúp DN khai thác được các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may như khâu thiết kế thời trang, cung ứng nguyên phụ liệu, xuất khẩu và marketing. Qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động tính bằng giá trị của các doanh nghiệp.
Vậy theo ông, hiện nay chất lượng nguồn nhân lực đã đáp ứng được nhu cầu của DN hay chưa?
Theo đánh giá, hiện lao động đã qua đào tạo trong các DN dệt may chiếm khoảng 25%. Như vậy vẫn còn khoảng 75% lao động trong lĩnh vực này chưa qua đào tạo hoặc chỉ được đào tạo dưới 3 tháng. Đây là thách thức rất lớn khi ngành dệt may đang trong xu thế vươn lên để cạnh tranh bằng năng suất, chất lượng, thời trang hóa ngành dệt may, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và tiếp cận với công nghiệp 4.0.
Hiện, các DN đã có những giải pháp gì nhằm nâng cao NSLĐ, thưa ông?
Vấn đề áp dụng công nghệ mới trong lĩnh vực dệt may đã được các DN quan tâm. Trong lĩnh vực may mặc, nhiều dây chuyền sản xuất hiện đại, công nghệ mới trong đó có cả công nghệ 4.0 đã được đưa vào ứng dụng như: Hệ thống thiết bị cắt tự động, các thiết bị may tự động và hoàn thiện tự động trong khâu là… Hệ thống IoT đã được ứng dụng rộng rãi trong khâu thiết kế sản phẩm, làm mẫu và thương mại điện tử phục vụ cho quá trình sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm may mặc.
Trong lĩnh vực sản xuất sợi, công nghệ tự động đã được áp dụng tại nhiều nhà máy mới đầu tư trong vòng 5 năm trở lại đây, mức độ tự động đã được thiết lập từ khâu xử lý bông đến các khâu đóng gói, hoàn thiện. Nhờ áp dụng công nghệ mới mà số lao động cần thiết cho sản xuất sợi đã giảm từ 100 xuống còn 50-70 người/1 vạn cọc sợi.
Bên cạnh đó, các mô hình và công cụ quản trị hiện đại cũng được nhiều DN áp dụng. Điển hình là việc áp dụng mô hình sản xuất tinh gọn (LEAN) và mô hình quản trị đúng lúc (JIT) nhằm tối thiểu hóa các chi phí, giảm thiểu thời gian sản xuất, nâng cao NSLĐ và chất lượng sản phẩm. Các công cụ quản trị khác như hệ thống lập kế hoạch nguồn lực doanh nghiệp (ERP), hệ thống quản trị chất lượng ISO9001:2000, công cụ hỗ trợ quản lý chất lượng 5S, công cụ quản lý chất lượng 6 Sigma… cũng là những công cụ được các DN dệt may áp dụng phổ biến nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nhà máy, quản lý năng suất, chất lượng trong DN.
Thu Hường
Nguồn baocongthuong.com.vn