Dệt may - Đo nhiệt độ thị trường

Ngày đăng: 01:39 - 15/12/2017 Lượt xem: 1.180
Bản chất của thị trường là luôn biến động, điều đó vừa gây đau đầu các nhà kinh doanh, nhưng cũng tạo cơ hội mới cho những bộ óc kiệt xuất, và những ông lớn kinh nghiệm đầy mình. Năm 2016 chỉ ra một bức tranh thị trường biến ảo khôn lường, và các nhà sản xuất hàng dệt may sẽ phải tiếp tục cuộc chơi đầy cam go trong năm 2017.
 
 
Tổng quan thị trường dệt may 2016
 
Năm 2016, toàn ngành Dệt May Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 28,3 tỷ USD, chỉ tăng 5% so với năm 2015, nhưng xét trong tổng thể kinh tế toàn cầu cũng như các biến động chính trị lớn tại các thị trường chính, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận. Tình hình dệt may thế giới trong năm 2016 không khả quan. Các quốc gia nhập khẩu chính là USA, EU, Nhật Bản đều có tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa dệt may rất thấp, hoặc suy giảm. Cụ thể, nhập khẩu của thị trường USA giảm 4.84%, nhập khẩu của EU tăng 5.1%, nhập khẩu của Nhật bản giảm 4%. Trong khi đó Việt Nam có tỷ lệ xuất đi USA tăng 4.5%, EU tăng 5.4%, Nhật 4.5% đều cao hơn tốc độ nhập khẩu, đồng thời thị phần hàng Dệt May Việt Nam tiếp tục cải thiện so với các đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, nếu so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh chính của Việt Nam như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh…, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam với mức tăng trưởng 5% là cao nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu dệt may. Trung Quốc xuất khẩu dệt may giảm 4.25%, trong đó xuất đi USA giảm 7.9%, EU giảm 3%, Nhật giảm 1.2%, Hàn Quốc giảm 3.9%. Ấn Độ xuất khẩu dệt may giảm 4.66%, trong đó xuất đi USA giảm 0.81%, đi EU giảm 0.43%, Nhật chỉ tăng 1.9%, Hàn Quốc giảm 0.28%. Bangladesh xuất khẩu tăng 4.8%, trong đó xuất USA giảm 2.95%, EU tăng 8.38%, Nhật tăng 18.5%, Hàn Quốc giảm 2.3%. Indonesia xuất khẩu giảm 5.4%, xuất đi USA giảm 5.6%, EU giảm 4.5%, Nhật giảm 0.7%, Hàn Quốc tăng 8%. Với KNXK 28,3 tỷ USD, năm 2016 Dệt May Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về kim ngạch sau Trung Quốc khoảng 260 tỷ,  Ấn độ 35.4 tỷ USD, Bangladesh 34 tỷ USD.
 
Ngoài các đặc điểm về thị trường, năm 2016 là năm có các khó khăn riêng của Dệt May Việt Nam.
 
Thứ nhất, các quốc gia XK dệt may trong top 5 đều có phá giá đồng tiền ở mức lớn trên 10%, trong khi VND giữ giá trong suốt năm 2016. Dẫn đến hàng hóa dệt may VN có xu thế đắt hơn các nước khác trong khi cầu yếu là hết sức khó khăn. Nhiều thời điểm một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu của VN như sợi cotton không thể xuất được ra thị trường.
 
Thứ hai, các quốc gia top 5 đều nằm ngoài TPP cho nên đều có chính sách trực tiếp để giữ lại đơn hàng do lo ngại việc dịch chuyển qua VN như giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu (bông, xơ, hóa chất), cho miễn VAT dù mua nguyên liệu nội địa để sản xuất XK, giảm thuế
 
Thứ ba, Việt Nam tiếp tục tăng lương tối thiểu 2016 trên 8%, mức đóng góp tổng cộng cho các quỹ bảo hiểm, công đoàn lên tới 34.5% cao nhất trong nhóm các nước XK dệt may.
 
Thứ tư, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư sản xuất tại VN đón đầu TPP, tuy nhiên năm 2016 đi vào sản xuất chưa có thị trường mới đã có xu thế cắt giảm đơn hàng tại các đơn vị đối tác VN trước đây, chuyển sang nhà máy của mình. Áp lực tìm kiếm khách hàng mới và đơn hàng thay thế tại các DN VN rất lớn trong năm 2016.
 
Dự báo thị trường dệt may năm 2017
 
Bước sang năm 2017, với dự báo về kinh tế thế giới có chiều hướng tăng trưởng tốt lên so với 2016, nhất là kinh tế Mỹ tăng từ 1.6% năm 2016 lên 2.2%, có thể thấy đây là tiền đề cho khả năng có được sức cầu cao hơn của thị trường. Đồng thời, đối với tình hình trong nước chính phủ tiếp tục duy trì ổn định vĩ mô, lãi suất hợp lý, chính sách tỷ giá linh hoạt. Đặc biệt là việc đẩy nhanh các thủ tục cải cách hành chính, giảm chi phí hành chính trong các lĩnh vực phục vụ SXKD và xuất khẩu. Đây sẽ là những điểm sáng giúp cho ngành Dệt May Việt Nam có cơ hội phát triển.
 
Tuy nhiên, ngành Dệt May Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các FTAs đều chưa có hiệu lực năm 2017. Cạnh tranh trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao, nhất là trong nhóm các nước XK dệt may. Chính sách của các chính phủ mới tại Mỹ, EU sau Brexit, Trung Quốc vẫn là điểm khó dự đoán.
 
Đối với tình hình trong nước, chính sách tăng lương tối thiểu chính thức có hiệu lực trong năm 2017 sẽ tạo gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp Dệt May. Trong khi đó, chính phủ vẫn chưa có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho Ngành.
 
Ngoài ra, các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam tiếp tục đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ làn sóng FDI. Theo thống kê, Doanh nghiệp FDI chiếm 25% tổng số doanh nghiệp dệt may tại Việt Nam, tuy nhiên lại chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may từ Việt Nam. Doanh nghiệp FDI có rất nhiều điểm mạnh, bao gồm:
 
Doanh nghiệp FDI đã có kinh nghiệm và mô hình phát triển từ trước, vì vậy khi đầu tư vào Việt Nam họ đầu tư một cách bài bản, quy mô lớn, máy móc thiết bị hiện đại, dây chuyền khép kín từ khâu nguyên liệu sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất và cắt may. Như vậy họ chủ động được nguồn nguyên liệu, hiệu quả trong công tác sản xuất, đồng thời đáp ứng được những quy tắc xuất xứ mà các hiệp định thương mại yêu cầu để được hưởng lợi thuế suất. Đồng thời họ cũng có sẵn thị trường đầu ra, là những khách hàng quen thuộc và lâu năm, là những nhà bán lẻ nổi tiếng, có thương hiệu và sức tiêu thụ lớn trên toàn cầu.
 
Doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam phần lớn là những Doanh nghiệp từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan như Texhong, Esquel, Crystal, ngoài ra còn có các doanh nghiệp Hàn Quốc như Hansoll, Hansae. Họ là những Doanh nghiệp lớn, ngoài kinh nghiệm và đội ngũ lao động tốt, họ còn có lợi thế về vốn. Ví dụ Texhong sẵn sàng bỏ ra 450 – 500 triệu USD, tương đương hơn 11 nghìn tỷ đồng, để đầu tư một dự án tại Việt Nam.
 
Nhìn chung, các Doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn các doanh nghiệp Dệt May Việt Nam. Đặc biệt là các Doanh nghiệp FDI lớn từ Trung Quốc, họ có trình độ công nghệ, kỹ thuật cao, có kinh nghiệm và đầu ra lớn.
 
Giải pháp của Vinatex
 
Trước tình hình khó khăn như trên, trong năm 2017, để tiếp tục duy trì tăng trưởng, cũng như giải quyết các vấn đề ngắn hạn, dài hạn trong quản trị sản xuất, kinh doanh, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp, Tập đoàn đề ra các định hướng và giải pháp như sau:
 
Tái cấu trúc doanh nghiệp
 
Trong năm 2017 Tập đoàn sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị tư vấn E&Y Việt Nam để hoàn thành “Dự án tư vấn hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý và quản trị doanh nghiệp”.
 
Giải pháp thị trường
 
– Tiếp tục theo dõi sát sao tình hình thị trường dệt may thế giới, thị trường nguyên phụ liệu để có thể tham vấn cho lãnh đạo Tập đoàn cũng như trao đổi giữa các đơn vị thành viên để đưa ra những quyết định hợp lý, mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
 
– Đẩy mạnh công tác tìm kiếm khách hàng, đặc biệt tại thị trường Mỹ, tận dụng cơ hội Trung Quốc bị áp thuế cao dẫn đến lợi thế cạnh tranh giảm.
 
– Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các hội chợ dệt may tại nước ngoài để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm khách hàng tiềm năng.
 
– Tìm hiểu, mở rộng thêm một số thị trường mới như Nga, Kazakhstan nhằm tận dụng ưu đãi từ hiệp định FTA Việt Nam – Liên minh kinh tế Á – Âu.
 
Giải pháp đầu tư
 
– Đầu tư mới khi đã tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm.
 
– Đầu tư phục vụ khách hàng cấp 1, phục vụ chuỗi cung ứng.
 
– Đầu tư thông qua hình thức mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp trong Ngành.
 
– Tập trung cải tiến, nâng cao hiệu quả của năng lực hiện có, tăng năng suất, giảm chi phí.
 
Giải pháp đào tạo, phát triển nguồn nhân lực
 
– Tiếp tục mở rộng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho Ngành Dệt May, đặc biệt các lớp đào tạo về Merchandiser, quản lý nhà máy, các lớp đào tạo chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm.
 
– Cần sớm phát hiện các cán bộ có năng lực để bồi dưỡng, đào tạo, bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí chủ chốt tại các nhà máy, đơn vị.
 
– Đẩy mạnh phối hợp với các đối tác nước ngoài để họ cử chuyên gia đến hướng dẫn, làm việc với nhân lực của mình, giúp nâng cao trình độ lao động, chuyên môn sâu.
 
– Có chế độ đãi ngộ tiền lương, thù lao hợp lý để thu hút nhân tài, giữ chân được nhân lực trình độ cao, ổn định lực lượng lao động.
 
Đỗ Khắc Dũng – Phó Ban THPC Vinatex
 
Theo vinatex.com
 
 

Các bài viết khác

Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.093 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.301 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.082 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.304 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
5.938 lượt xem

Liên kết website