Trong hai thập kỷ qua, ngành Dệt May Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, chủ động hội nhập thị trường thế giới, trở thành một trong những quốc gia hàng đầu sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may. Đặc biệt trong những năm gần đây, Ngành lại được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương thế hệ mới như Việt Nam – Hàn Quốc; Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Liên minh kinh tế Á, Âu; Asean – Ấn Độ, Asean – Trung Quốc… và đặc biệt là TPP.
Chuẩn bị kỹ cho mọi cơ hội mới
Những năm qua, để chuẩn bị cho TPP thì các DN dệt may đã đón đầu bằng các dự án lớn về sợi, dệt và may. Vinatex đã đầu tư tăng năng lực hiệu quả cho các DN trực thuộc. Đơn cử, từ năm 2013, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đầu tư cực mạnh vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm với 51 dự án, trong đó có 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may, tổng mức đầu tư trên 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án được tính toán có khả năng đáp ứng từ 50-60% nhu cầu của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, Tập đoàn với vai trò đầu tàu dẫn dắt toàn Ngành cũng đã chuyển hướng phương thức sản xuất theo mô hình ODM và quản lý tiên tiến LEAN để gia tăng lợi nhuận, năng suất, chất lượng sản phẩm, lao động hiệu quả hơn, công tác liên kết tạo chuỗi cung ứng toàn diện trong các doanh nghiệp của Tập đoàn và Ngành ngày một hoàn thiện. Đây là các yếu tố quan trọng để dệt May Việt Nam tiếp tục bứt phá hội nhập sâu nền kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, FTA được kỳ vọng cao là TPP lại gây nhiều bất ngờ và khó định đoán. Việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Hoa Kỳ đang khiến dư luận quan ngại về quan hệ kinh tế-thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ có thể có những thay đổi phức tạp, đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không được tân Tổng thống Hoa Kỳ ủng hộ sẽ tác động không thuận tới quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam phát triển thương mại quốc tế với định hướng đa phương hóa và đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại. TPP cũng chỉ là một trong những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) mà Việt Nam hướng tới. TPP có tầm vóc rất lớn với 12 đại diện tham gia, trong đó có nhiều đối tác lớn ở châu Á và thế giới, ảnh hưởng rất mạnh, rất sâu đến thương mại thế giới nếu có hiệu lực thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ đoán định nào liên quan đến TPP trong thời gian tới.
Có thể nói, các FTA thế hệ mới đều là những viên gạch để tạo ra một nền tảng trong chính sách hội nhập của Việt Nam. Nếu TPP tiếp tục triển khai một cách thuận lợi thì chắc chắn cơ hội cho nền kinh tế cũng như lợi thế cạnh tranh của Việt Nam sẽ có những điều kiện thuận lợi, ví như các lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày… Nhưng nếu không có TPP thì chúng ta vẫn có thị trường rất đa dạng trên thế giới và những ngành đó đang có sức cạnh tranh ngày càng cao, có sự thâm nhập thị trường rất tốt. Cho dù trong hoàn cảnh nào, Việt Nam cũng sẵn sàng, vì hội nhập không phụ thuộc vào riêng TPP.
Bơi ra biển lớn bằng chính sức mình
Bên cạnh đó, DN dệt may muốn hội nhập tốt, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, còn phải được xây dựng trên nền tảng môi trường xanh, đảm bảo môi trường sạch cho người lao động, người sử dụng. Đây là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho các nhà đầu tư vào ngành dệt may. Các nhà nhập khẩu lớn sẽ không chấp nhận sản phẩm dệt may Việt Nam không đảm bảo tiêu chuẩn của môi trường.
DN cần có đội ngũ hiểu luật pháp các nước trong nội khối, đặc biệt là luật đầu tư, thương mại. Chỉ như vậy mới giảm tối đa rủi ro trong giao thương, đảm bảo các hợp đồng được ký không mang lại thua thiệt.
Như vậy, các DN phải tạo ra được nguồn lực cốt lõi mới có thể giữ được thị phần trong nước và vươn ra thế giới. Đó là những vấn đề nước ta phải có tầm nhìn trong chiến lược phát triển. Nhưng theo quy luật thị trường, khi gặp thách thức, tự DN phải tìm hướng đi riêng, tính toán vốn đầu tư, cắt giảm chi phí sản xuất. Tiền lương tăng hằng năm, đến 2014 đã tăng tới 40% nhưng DN dệt may của Việt Nam vẫn phát triển bền vững, tăng trưởng ngành dệt may tới 17%. Bây giờ toàn Ngành đang phải nỗ lực hết sức mình để chuyển lên phương thức sản xuất mới (ODM) và tham gia tích cực chuỗi cung ứng trọn gói để có sản phẩm có giá trị gia tăng cao thay vì các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp, để đảm bảo phát triển.
Hội nhập là yêu cầu, đồng thời cũng là động lực để thúc đẩy phát triển trong tương lai. Do vậy, xu thế mở cửa và hội nhập của Việt Nam vẫn tiếp tục được khẳng định. Điều quan trọng là sau hội nhập, chúng ta phải hướng tới nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Khi đó, chúng ta sẽ có điều kiện để cạnh tranh một cách bình đẳng và tranh thủ được các cơ hội của thị trường. Chúng ta đang bơi ra biển lớn bằng chính sức vóc của chúng ta chứ không nương tựa vào bất cứ ai hoặc điều gì. Do vậy, con thuyền Việt Nam bắt buộc phải chủ động đương đầu với với mọi sóng gió, mọi thử thách, tự khẳng định mình trong đại dương mênh mông.
Doãn Đức – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Dệt May và Thời trang Việt Nam
Theo vinatex.com