Thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo dệt may

Ngày đăng: 02:20 - 04/10/2018 Lượt xem: 1.587
Trước thực trạng thiếu hụt nguồn cung lao động chất lượng cao cho ngành dệt may, chiều ngày 24/9 Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã tổ chức cuộc họp do Chủ tịch Vũ Đức Giang chủ trì lấy ý kiến về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực để có những giải pháp, kiến nghị trong việc phương pháp giảng dạy mới, đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Tham dự cuộc họp, về phía VITAS gồm có Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May  Việt Nam, bà Hoàng Ngọc Ánh – Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Chính sách thương mại & Hội nhập Quốc tế và bà Nguyễn Thị Thu Hà – Phó trưởng ban Hội viên, về phía doanh nghiệp có đại diện của Tập đoàn TAL, Vanlaack Asia và Tổng công ty May 10, về phía các trường đào tạo chuyên ngành dệt may gồm có Viện dệt may, Trường cao đẳng nghề Long Biên, Trường Đại học Công nghiệp dệt may Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề công nghiệp dệt may Nam Định, Học viện thiết kế và thời trang London, Trường đại học Bách khoa TP HCM, Viện dệt may – da giày - Trường đại học Bách khoa Hà Nội, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội, Trường đại học Nguyễn Tất Thành, Trường cao đẳng kinh tế kỹ thuật Vinatex TP HCM.

 

 

Tại cuộc họp, chủ tich Vũ Đức Giang cùng các thành viên tham dự đều ghi nhận thực trạng của ngành dệt may Việt Nam, mặc dù đứng thứ 5 trong Top các nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới nhưng hiện tại đang thiếu hụt nguồn cung nhân lực, thiếu nguồn lực thiết kế về kết cấu sợi, cấu trúc vải, thành phần và kiểu dáng vải, bị tác động về môi trường, và đối mặt với nhiều thách thức về quản trị chuyền may tiên tiến, xây dựng chuỗi kết nối, chiến lược phát triển thương hiệu Việt Nam, đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới.
 

Đại diện từ các doanh nghiệp và các trường cho rằng trong ngành dệt may, có những vị trí rất khó tuyển người Việt Nam gồm các chuyên gia may mẫu pattern, giác đồ CMD, quản lý thiết kế sáng tạo, kỹ sư công nghiệp, chuyên gia kỹ thuật dệt may và cũng có những vị trí rất khó giữ người gồm Quản lý sản xuất, Quản lý dịch vụ khách hàng, Kỹ sư Công nghiệp cấp cao. Thực tế sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của công việc, trình độ ngoại ngữ chưa cao, chưa nắm được hết các thuật ngữ chuyên ngành, chưa thực sự yêu nghề và say mệ công việc, doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại.
 

Để giải quyết những hạn chế và thách thức trên, cần giải quyết được 3 vấn đề mấu chốt đang tồn tại trong ngành Dệt may hiện nay, đó là: Chất lượng nguồn nhân lực; Công tác đào tạo của các trường và doanh nghiệp dệt may; Cơ chế, chính sách khuyến khích đào tạo nhân lực ngành Dệt may. Các doanh nghiệp và các trường đào tạo cần liên kết chặt chẽ với nhau, hiểu được mong muốn của doanh nghiệp để có thể đào tạo đúng với yêu cầu của doanh nghiệp. Sinh viên được tạo điều kiện thực tập thực tế tại trường học và doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo trong các trường đại học cần phải có hệ thống, tham khảo các nguồn tài liệu được cập nhật từ nước ngoài. Đối với công tác đào tạo của doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần thường xuyên tổ chức đào tạo và đào tạo lại toàn bộ lao động ở tất cả các vị trí làm việc, đặc biệt là các vị trí cán bộ kỹ thuật nghiệp vụ, cán bộ quản lý cấp trung để có thể đáp ứng được các thay đổi của công việc thực tế.
 

Hiểu được tâm tư của doanh nghiệp và các trường đại học chuyên ngành dệt may, Chủ tịch Vũ Đức Giang khẳng định Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ là đầu mối kết nối giữa nhà trường và các doanh nghiệp, hỗ trợ truyền thông để các trường và doanh nghiệp hiểu được những nguyện vọng, mong muốn của nhau từ đó có được những định hướng đào tạo rõ ràng và tổ chức nhiều khóa đào tạo thiết thực có sự hỗ trợ từ nước ngoài trong lĩnh vực dệt may. Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ thành lập hội đồng đào tạo, xây dựng các đề cương, giáo án có sự thay đổi cho ngành dệt may Việt Nam, kết nối giữa các Viện, trường và doanh nghiệp, kết nối hệ thống mạng từ các trường đến doanh nghiệp, tổ chức các chương trình hợp tác, tham quan học hỏi lẫn nhau, kiến nghị lên các cơ quan ban ngành, với Bộ Giáo dục để xây dựng các chương trình, giúp các học sinh, sinh viên trong các trường phổ thông có thêm nhận thức về ngành dệt may.
 

Dưới đây là một số hình ảnh ghi nhận tại cuộc họp:
 








 

Nguồn Vietnamtextile.org.vn

Các bài viết khác

Vinatex báo lãi gần 1.000 tỷ đồng
25/07/2022
1.210 lượt xem
Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.330 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.534 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.330 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.548 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
6.926 lượt xem

Liên kết website