Việt Nam khan hiếm lao động ngành điện tử và may mặc

Ngày đăng: 02:52 - 25/01/2019 Lượt xem: 1.859
TPO - Thị trường lao động sẽ khan hiếm nhân lực trong mảng công nghiệp điện tử và may mặc do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam trong thời gian tới.

Nhu cầu tuyển dụng ngành điện tử tăng cao

Thông tin trên vừa được Tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự Navigos Group (chủ sở hữu trang tìm kiếm việc làm trực tuyến VietnamWorks) công bố trong báo cáo về nhu cầu tuyển dụng nhân sự tại thị trường Việt Nam trong Quý IV 2018 và năm 2019.

Theo đó, Navigos Group cho biết, trước sự cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử của các tên tuổi lớn, ngành Điện tử tiêu dùng đang có xu hướng chuyển đổi mạnh các kênh bán hàng từ truyền thống sang trực tuyến. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đều có kế hoạch mở rộng mặt hàng kinh doanh và phạm vi kinh doanh trong năm 2019.

“Sau Tết, dự đoán lĩnh vực Điện tử tiêu dùng sẽ tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng, một số công ty sẽ vào thị trường Việt Nam tạo cơ hội lớn cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng. Trong bối cảnh nhân sự đang có phần thiếu hụt, các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn chấp nhận tuyển ứng viên đến từ ngành khác như FMCG (Ngành hàng tiêu dùng nhanh)”, bà Phạm Thị Hoài Linh, Giám đốc nhân sự Navigos Group cho biết.
 
                                          Nhu cầu tuyển dụng ngành điện tử dự báo tăng cao

Cũng theo Navigos Group, hiện các công ty FDI trong lĩnh vực điện tử và may mặc đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Theo ghi nhận, những doanh nghiệp trong lĩnh vực điện, điện tử tại Hải Phòng và Bắc Ninh trong Quý IV đã có kế hoạch mở rộng quy mô. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mới sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2019.

Trước làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng quy mô, mảng Sản xuất Điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao, thuộc các vị trí như: Quản lý nhà máy; Giám sát; Cấp Quản lý và Trợ lý cho khối văn phòng.

Tuy nhiên, theo bà Linh, các doanh nghiệp này đang đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp hiện tại, nên ứng viên vẫn còn dè chừng trước quyết định chuyển việc sang một môi trường mới.

 Ngành dệt may khan hiếm lao động, nhiều thách thức

Trong lĩnh vực dệt may, năm 2019 Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực sẽ thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh hơn. Với lợi thế về mức giá nhân công, Việt Nam sẽ thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI mạnh mẽ hơn, từ đó nhiều việc làm mới cũng được tạo ra. Nhiều doanh nghiệp dệt may lâu năm tại Việt Nam cũng đang trong quá trình mở rộng quy mô về sản xuất.

 
Một số doanh nghiệp ngành dệt may ở Trung Quốc đang có sự dịch chuyển sang Việt Nam, làm tăng nhu cầu lao động của ngành này
 
Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc, và cả các công ty nội địa Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao… đang có xu hướng chuyển các đơn hàng và hoạt động sản xuất sang các nước khác nhằm tránh đánh thuế cao. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng nhất cho việc dịch chuyển của các doanh nghiệp này.

“Trước xu hướng tuyển dụng tăng cao, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực. Nguyên nhân do ngành Dệt may luôn khan hiếm nhân lực, đặc biệt là những nhân sự cấp trung cấp cao vừa có kĩ năng chuyên sâu về ngành và có thể giao tiếp tiếng Anh. Hiện nay, một số doanh nghiệp do thiếu tính cạnh tranh đã dẫn đến tình trạng mất nhân công, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất không hết công suất”, Giám đốc nhân sự Navigos Group cho hay.

 
Nguồn: https://www.tienphong.vn

Các bài viết khác

Ấn tượng xuất khẩu dệt may
07/05/2022
1.076 lượt xem
Dệt may tận dụng cơ hội lớn
24/09/2020
1.282 lượt xem
Tạo ấn tượng cho khẩu trang
03/07/2020
1.062 lượt xem
TỔNG QUAN VỀ ITMA 2019
21/01/2020
1.288 lượt xem
Nhuộm màu cho cotton
22/11/2019
5.836 lượt xem

Liên kết website