-
Hãy chọn các hoạt động nói tiếng Anh không quá tạo áp lực cho bạn
Có rất nhiều các hoạt động nói tiếng Anh bạn có thể tự thực hành mà không cần sự hỗ trợ từ người khác, ví dụ như bắt chước theo cách phát âm của 1 nhân vật trong phim hay trong 1 video, hay đơn giản chỉ là tự luyện nói với chính mình. Những cách này giúp bạn vẫn có thể tự luyện nói tiếng Anh mà không quá phụ thuộc vào 1 đối tác nói cùng trong trường hợp bạn mới bắt đầu, còn ngại hoặc khi bạn thấy năng lực nói tiếng Anh của mình còn hạn chế, sẽ ổn hơn khi bạn tự luyện nói một mình trước rồi mới luyện nói với người khác sau.
-
Bắt đầu với việc học Online
Một cách ít căng thẳng hơn để bắt đầu một cuộc trò chuyện bằng tiếng Anh là thông qua 1 văn bản, ví dụ như tin nhắn. Nếu bạn đang viết, bạn sẽ có thêm một chút thời gian để suy nghĩ về những gì bạn muốn nói… và thậm chí có thể sử dụng Google Dịch nếu cần! Vậy nên học qua cách thức trực tuyến là 1 cách tốt. Bạn có thể sử dụng các diễn đàn học ngôn ngữ trực tuyến, phòng chat hoặc bảng tin. Bạn thậm chí có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện thông qua mạng xã hội (Facebook, Instagram,..). Các lựa chọn này cho bạn thêm một chút thời gian và giúp bạn thực hành nhịp nhàng cuộc trò chuyện trước, cũng như giúp bạn đỡ căng thẳng hơn khi giao tiếp thật
-
Tham gia vào một cộng đồng
Một cách hiệu quả khác để vượt qua nỗi sợ nói là tham gia một cộng đồng nói tiếng Anh. Những cộng đồng này có thể hỗ trợ và giúp loại bỏ một số lo lắng của bạn trong việc nói tiếng Anh. Có một số cộng đồng tuyệt vời dành cho người học tiếng Anh, bao gồm các nhóm Facebook, Discord, WhatsApp, hoặc Leonardo English.
-
Kết cặp nói với một đối tượng bạn thấy thoải mái
Những người bạn quen biết—bạn bè hay người thân của bạn—sẽ thoải mái hơn người lạ. Nhằm giảm sự căng thẳng khi nói, bạn nên tìm một người nói mà bạn quen. Tìm một đối tác trao đổi ngôn ngữ (ngắn hạn/lâu dài) cũng có thể là một lựa chọn tốt.
Trong một cuộc trao đổi ngôn ngữ, bạn có thể nói bằng tiếng Anh trong 30 phút, sau đó đổi vai và nói bằng ngôn ngữ mẹ đẻ của mình trong 30 phút. Cái hay của việc này là cả hai người đều là “người học” và đều sẽ thấy không thoải mái khi nói một ngôn ngữ khác. Cùng lúc, cả hai người đều cảm thấy thoải mái khi nói ngôn ngữ của chính mình. Nhìn thấy người nói cùng mình cũng phạm sai lầm có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ & mặc cảm khi nói tiếng Anh.
-
Cố gắng cải thiện các kỹ năng tiếng Anh khác (đọc, nghe, viết)
Đôi khi chúng ta sợ nói bằng ngôn ngữ khác vì chúng ta biết mình không giỏi ngôn ngữ đó. Vì vậy, một cách để vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh là cải thiện các kỹ năng tiếng Anh khác của bạn.
Tất nhiên, cải thiện kỹ năng nói là quan trọng, nhưng những kỹ năng khác: nghe, đọc và viết cũng cần phải được chú trọng. Theo giả thuyết đầu vào của Krashen, kỹ năng nghe và đọc tiếng Anh là hai trong số những khía cạnh tốt nhất để cải thiện trình độ tiếng Anh tổng quát của bạn. Ông lập luận rằng 2 kỹ năng này cung cấp đầu vào dễ hiểu cần thiết để bạn học được một ngôn ngữ. Đã có khá nhiều nghiên cứu về khía cạnh này, ví dụ, nghe podcast có thể giúp bạn nói tiếng Anh tốt hơn.
Vậy nên, bằng cách rèn luyện các kỹ năng tiếng Anh của mình theo những cách mà bạn thấy phù hợp, bạn sẽ có thể cải thiện trình độ tiếng Anh tổng quát của mình và cảm thấy thoải mái hơn khi nói tiếng Anh.
-
Hãy quên đi sự hoàn hảo thái quá
Chủ đề chính trong bài viết trên blog này là bạn nên chấp nhận những sai lầm của mình. Mắc lỗi là một phần cực kỳ quan trọng trong quá trình học tập—việc sẵn sàng mắc lỗi là một trong những siêu năng lực của những người học ngôn ngữ hiệu quả. Nếu bạn không phạm sai lầm, bạn sẽ không thể tiến bộ. Thay đổi suy nghĩ hoặc thái độ là điều khó khăn, nhưng nó có thể giúp bạn vượt qua nỗi sợ hãi khi nói tiếng Anh từ bây giờ cho đến về sau. Nếu bạn học được cách đánh giá cao những sai lầm mà bạn đang mắc phải và coi đó là một phần trong hành trình học tiếng Anh của mình, thì bạn sẽ không còn quá sợ khi mắc lỗi.
-
Hãy tìm tòi ra những cách giúp bạn bình tĩnh
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn tham gia cuộc hội thoại và cảm thấy thực sự không thoải mái? Tập thư giãn. Có một số kỹ năng hiệu quả mà bạn có thể thử để giảm bớt sự căng thẳng.
Dưới đây là một vài trong số đó:
-
Lấy hơi thở sâu: Hít thở sâu là một cách tuyệt vời để giảm bớt những căng thẳng thể chất đi kèm với nỗi sợ hãi—tim đập nhanh, lòng bàn tay đẫm mồ hôi, v.v.
-
Hãy nói chuyện tích cực: Nhắc nhở bản thân rằng bạn thực sự có thể trò chuyện tốt bằng tiếng Anh và phần nói không hoàn hảo cũng không sao. Cố gắng tự động viên chính mình.
-
Thách thức những suy nghĩ tiêu cực của bạn. Bạn không cần phải tin vào tất cả những suy nghĩ. Bạn có thể lo lắng việc nói ra điều gì đó đáng xấu hổ, nhưng bạn có thể thách thức suy nghĩ đó và nhắc nhở bản thân rằng đó không phải là vấn đề lớn và mọi người đều phạm sai lầm.
-
Cười lên
Thực sự có khá nhiều bằng chứng cho thấy hành vi của chúng ta có thể ảnh hưởng đến cảm nhận của chúng ta.
Một nghiên cứu nổi tiếng về tâm lý học đã chia những người tham gia thành hai nhóm. Với một nhóm, họ được yêu cầu ngậm một chiếc bút chì vào giữa hai hàm răng & việc này buộc họ phải cười. Với nhóm còn lại, những người tham gia được yêu cầu giữ một cây bút chì giữa môi trên và mũi của họ, khiến họ khó chịu. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người tham gia trong nhóm đầu tiên đánh giá phim hoạt hình hài hước hơn, cho thấy rằng nụ cười đã thay đổi cảm giác của họ. Đây chỉ là một ví dụ về cách chúng ta có thể thay đổi cảm giác của mình bằng việc hành động theo những cách nhất định. Mỉm cười có thể giúp chúng ta cảm thấy thoải mái hơn. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy hoảng loạn trong một cuộc trò chuyện, hãy mỉm cười. Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy tốt hơn.
-
Tập trung vào cuộc đối thoại 1 vs 1
Các bữa tiệc là một cơ hội tốt để giao tiếp, nhưng các cuộc trò chuyện nhóm cũng có thể là điều rất đáng sợ khi phải tham gia. Thường thì chúng diễn ra nhanh chóng, có nhiều người nói, thường có tiếng ồn xung quanh và đôi khi mọi người hay chuyển sang chủ đề khác trước khi chúng ta có thời gian để nhảy vào cuộc hội thoại. Thay vì tìm kiếm cơ hội để nói tiếng Anh theo nhóm, hãy ưu tiên các cuộc trò chuyện trực tiếp 1 - 1. Trò chuyện theo cách này sẽ dễ dàng hơn và ít gây căng thẳng hơn.
-
Chậm rãi thôi
Trò chuyện chậm hơn giúp bạn dễ dàng tham gia vào cuộc hội thoại và giúp giảm bớt nỗi sợ hãi. Một cách đơn giản để làm chậm cuộc trò chuyện là yêu cầu đối tác của bạn nói chậm hơn, mặc dù nó có thể gây khó chịu cho đối tác của bạn một chút. Nhưng có một cách khác để kiểm soát tốc độ của cuộc trò chuyện: thay đổi tốc độ nói của chính bạn. Nếu bạn muốn cuộc trò chuyện diễn ra chậm hơn một chút, hãy giảm tốc độ nói và nhịp điệu của chính mình, đối tác của bạn sẽ tự nhiên làm theo. Nó không phải là một cuộc đua.
-
Hãy tiếp tục nói mà không ngần ngại
Tôi có một người bạn là nhà tâm lý học lâm sàng. Tôi đã nghe cô ấy giải thích rằng một trong những phương pháp hiệu quả nhất để điều trị chứng ám ảnh sợ hãi và lo lắng được gọi là “Liệu pháp đối mặt trực diện” (exposure therapy). Về cơ bản, nó hoạt động bằng cách phơi bày một cách có hệ thống mọi người trước nỗi sợ hãi của họ, từng chút một. Cuối cùng, bệnh nhân cảm thấy ngày càng ít sợ hãi hơn. Tôi không nói rằng bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp tâm lý vì chứng sợ nói tiếng Anh của bạn, tôi cũng không nói rằng bạn nên cố gắng thực hiện liệu pháp tâm lý cho chính mình.
Nhưng tôi đang nói rằng chúng ta càng làm điều gì đó, chúng ta càng ít sợ hãi về điều đó. Vì vậy, có lẽ lời khuyên tốt nhất của tôi để vượt qua nỗi sợ nói tiếng Anh là hãy cứ nói thường xuyên. Bạn càng nói nhiều bằng tiếng Anh, bạn sẽ càng tự tin và thoải mái hơn khi nói tiếng Anh.
Lời cuối
Nói là một phần thiết yếu của bất kỳ khóa học tiếng Anh nào. Vì vậy, hãy cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi khi nói và thực hành nó như bất kỳ các kỹ năng khác, ngay cả khi bạn không sống ở một quốc gia nói tiếng Anh.
Với sự luyện tập nhất quán, cảm giác sợ hãi và xấu hổ của bạn sẽ biến mất theo thời gian và việc nói tiếng Anh sẽ sớm trở thành bản năng tự nhiên thứ hai của bạn.
Hãy nhớ rằng, bạn đang học tiếng Anh, bạn đang cố gắng và bạn sẽ tiến bộ sau mỗi lần luyện tập.
Đó là một điều tuyệt vời, và không có lý do gì bạn phải sợ cuộc hành trình tuyệt vời này mà bạn đang thực hiện.
Cố gắng vượt qua nỗi sợ & chiến thắng nó!
(Tham khảo: https://www.leonardoenglish.com/blog/overcome-your-fear-of-speaking-english)
Hoàng Thu Uyên – Khoa THNN