Thiết kế thời trang là ngành gắn liền với nền công nghiệp làm đẹp, lĩnh vực thiết kế thời trang vô cùng rộng lớn đòi hỏi mỗi cá nhân, sinh viên hay mỗi nhà nghiên cứu cần có thời gian, gu thẩm mỹ, khả năng cảm thụ để dẫn dắt người tiêu dùng đến với cái đẹp. Một trong những lĩnh vực được quan tâm, chú ý trong những năm gần đây là thiết kế trang phục trẻ em.
Thực tế cho thấy, thực trạng thiết kế trang phục trẻ em ở Việt Nam dù đã có rất nhiều những đóng góp tích cực, xong còn tồn tại những hạn chế về vật liệu dệt may, kiểu dáng mẫu mã chưa đa dạng, mô phỏng trang phục của người lớn thu nhỏ, chưa phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi trẻ em… Tuy nhiên, sự ảnh hưởng của các yếu tố trẻ em là vô cùng rộng lớn, bài viết này xin được đề cập đến “Các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế trang phục trẻ em lứa tuổi tiểu học” phần lý luận chung làm cơ sở để giúp sinh viên ngành công nghệ may và Thiết kế thời trang cũng như những người nghiên cứu trong lĩnh vực Dệt may có thể vận dụng trong quá trình sáng tác.
1. Một số khái niệm
- Trang phục :“Là những gì con người mang khoác trên cơ thể, kể cả đồ đội trên đầu, đồ đi dưới chân, đồ đắp trên mặt, và những gì được sử dụng kèm theo quần áo”[1] . Trang phục bao gồm:
+ Quần áo
+ Mũ, nón, khăn
+ Giày, dép, guốc
+ Găng , tất
+ Đồ trang sức
+ Mỹ phẩm…
Những vật dụng trên kết hợp hài hoà với nhau trong một chỉnh thể thống nhất trên từng người mặc gọi là trang phục.
Như vậy, trang phục trẻ em cũng vậy, những gì các em mang, mặc trên người
- Yếu tố: là danh từ chỉ một bộ phận được cấu thành bởi một sự vật, một hiện tượng liên quan.
Trong thiết kế thời trang, để thiết kế trang phục cho một đối tượng, nhóm đối tượng đều phải nghiên cứu các yếu tố tác động đến sự thay đổi về trang phục.
- Ảnh hưởng: là một danh từ chỉ sự tác động từ người, sự việc hoặc hiện tượng có thể làm dần dần có những biến đổi nhất định trong tư tưởng, hành vi, hoặc trong quá trình phát triển ở sự vật hoặc người nào đó.
[1]Trích nguồn: Trần Thủy Bình (2005), Giáo trình Mỹ thuật trang phục, Nxb Giáo dục, Hà Nội. |
Trong Thiết kế thời trang, muốn có một bộ trang phục phù hợp với cá tính, sở thích, công năng của chúng cần làm rõ sự tác động từ người, sự việc hoặc hiện tượng liên quan đến sự thay đổi của trang phục.
- Thiết kế: “Thiết kế là những gì liên kết sự sáng tạo và đổi mới. Nó định hình các ý tưởng để trở thành những đề xuất thực tiễn và hấp dẫn người dùng hoặc khách hàng. Thiết kế có thể được mô tả như sự triển khai sáng tạo đến một mục đích cụ thể nào đó.” – Theo George Cox, trưởng khoa Đồ họa, Trường đại học Luân Đôn.
Hầu hết các kết quả của thiết kế đều trực quan (có thể nhìn thấy), và nó xuất phát từ một định nghĩa đơn giản khác: ‘Thiết kế là tất cả những gì xung quanh bạn, mọi thứ do con người làm ra đều đã được thiết kế, dù có ý thức hay vô thức’.
- Trẻ em ở lứa tuổi tiểu học: là trẻ em từ 6 đến 11 tuổi, là thực thể đang hình thành và phát triển cả về mặt sinh lý, tâm lý, xã hội các em đang từng bước gia nhập vào xã hội thế giới của mọi mối quan hệ. Do đó, học sinh tiểu học chưa đủ ý thức, chưa đủ phẩm chất và năng lực như một công dân trong xã hội, mà các em luôn cần sự bảo trợ, giúp đỡ của người lớn, của gia đình, nhà trường và xã hội.
2. Các yếu tố ảnh hưởng đến thiết kế trang phục học sinh tiểu học
Cũng giống như thiết kế trang phục ở các lứa tuổi khác, thiết kế trang phục ở lứa tuổi tiểu học chịu sự chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau:
2.1. Yếu tố địa lý – môi trường
Yếu tố địa lý – môi trường ảnh hưởng đến thời trang nói chung, mang lại đặc điểm riêng biệt của thời trang đối với từng vùng miền, lãnh thổ. Trang phục trẻ em cũng vậy, cũng có những đặc điểm riêng biệt đối với từng vùng miền địa lý khác nhau.
Trẻ em ở Châu Á có cách mặc khác với trẻ em ở Châu Âu, do tập quán của từng dân tộc, do từng vùng địa lý, khí hậu khác nhau mà có sự lựa chọn trang phục cho trẻ em khác nhau..
Chất liệu, màu sắc trong trang phục của trẻ em cũng được sử dụng phù hợp đối với từng vùng miền, lãnh thổ và môi trường của mỗi quốc gia. Không những thế, đối với mỗi quốc gia cũng lại có sự phân bố theo vùng miền, địa phương khác nhau, khí hậu khác nhau lại cũng có cách chọn trang phục và xu hướng cho trẻ khác nhau.
2.2. Yếu tố văn hóa- giáo dục
Mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa độc đáo. Do đó trang phục nói chung và của từng tộc người nói riêng thật phong phú đa dạng và đầy tính năng qua từng thời kỳ của lịch sử.
Trang phục không phải hình thành và biến động chỉ trong bản thân hệ thống nội tại của nó mà còn gắn bó với hàng loạt bộ phận khác nhau của đời sống văn hóa xã hội: điều kiện hình thành, phong tục tập quán, thị hiếu, thói quen, nghề nghiệp, tuổi tác... của từng đối tượng hay nhóm đối tượng cư dân.
Đối với trẻ em, chịu sự giáo dục của cha mẹ và nhà trường, yếu tố văn hóa – giáo dục có ảnh hưởng đến tâm sinh lý của các em. Một nền văn hóa – giáo dục tốt, có nền tảng, các em sẽ được phát triển toàn diện, lành mạnh, có ích cho gia đình và xã hội.Văn hóa các em được truyền dạy có tốt thì con người các em mới đẹp cả về thể chất và tinh thần.
Trong lĩnh vực trang phục, mỗi một dân tộc lại có một “văn hóa mặc” khác nhau. Trên thế giới, có bao nhiêu dân tộc thì lại có bấy nhiêu lịch sự trang phục của dân tộc đó, trang phục trẻ em của mỗi dân tộc đó cũng vậy, chịu sự ảnh hưởng của cách mặc mà cha mẹ lựa chọn cho từ bé, các bé lớn lên và có lựa chọn riêng về cách mặc của mình. Tuy nhiên, cách mặc đó không nằm ngoài “văn hóa mặc” chung của dân tộc, đất nước hay vùng miền lãnh thổ.
Châu Á, châu Âu… mỗi châu lục lại có những đặc điểm riêng về địa lý, khí hậu và văn hóa – giáo dục. Do vậy, trang phục trẻ em của mỗi châu lục lại khác nhau. Ví dụ, ở các nước châu Âu, việc mặc đồ của trẻ em đã được định hướng ngay từ bé, bởi các em sống trong xã hội phát triển, văn hóa mặc được hình thành từ rất sớm, các nhà thiết kế có chiến lược sản xuất thời trang cho các em một cách rõ rệt. Đồng thời, trên ghế nhà trường, các em được giáo dục về thẩm mỹ, phát triển cá tính về mọi mặt, trong đó có định hướng về thẩm mỹ của mỗi cá nhân. Do đó, việc lựa chọn trang phục của em em cũng có sự khắt khe riêng. Trong khi đó, ở một số các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển, văn hóa vẫn đang từng bước hoàn thiện, việc định hướng cho các em về thẩm mỹ khi còn trên ghế nhà trường vẫn chưa được chú trọng nhiều. Do vậy, “văn hóa mặc” của các em ở những quốc gia này vẫn chưa được như các nước phát triển.
Việc định hướng, giáo dục trẻ có cách mặc cũng như thẩm mỹ trong cách mặc là việc làm rất quan trọng đối với mỗi một quốc gia. Nó phải: phù hợp với nhu cầu và thị hiếu thẩm mỹ hiện đại, phù hợp với quan niệm, tiêu chuẩn về trang phục của truyền thống dân tộc.
2.3. Yếu tố tâm lý của các bậc phụ huynh
Trước đây, do điều kiện kinh tế, các bậc phụ huynh thường có quan điểm rằng trẻ em mặc gì cũng được bởi chúng nhanh lớn, quần áo vừa mua mặc được thời gian ngắn là phải bỏ rồi. Nên có rất nhiều phụ huynh thường lấy quần áo cũ của người khác cho con mình sử dụng hoặc đứa bé mặc của đứa lớn. Cho nên trang phục trẻ em hầu như ko phát triển và không có sự phong phú về kiểu mẫu trang phục. Ngày nay, do điều kiện kinh tế phát triển, đối với nhiều bậc phụ huynh, việc cho con trẻ chưng diện cũng là một hình thức thể hiện sĩ diện và bộ mặt của gia đình. Mặt khác, các phụ huynh đều muốn lựa chọn những gì tốt nhất cho con em mình. Vì thế, tùy vào điều kiện kinh tế mà họ lựa chọn trang phục cho con mình phù hợp, với mong muốn con mình không thua kém bạn bè. Bố mẹ nên tập cho con biết cách ăn mặc một cách gián tiếp: chỉ cho bé các màu sắc nào kết hợp với nhau thì đẹp. Có thể chỉ cho bé thấy bạn nào mặc ở lớp đẹp để bé học tập. Mang lại sự tự tin cho con trẻ là điều rất quan trọng. Với những bố mẹ có điều kiện về kinh tế thì việc thể hiện sự phô diễn cho con mình thì đó là quan niệm sai lầm. Với trẻ con điều quan trọng là cho chúng cảm nhận đúng thế giới xung quanh, cho chúng được hòa đồng với thế giới. Tóm lại, cha mẹ nên quan tâm đến sở thích của bé để có ứng xử và định hướng thích hợp, giúp bé phát triển thẩm mỹ phù hợp với hoàn cảnh kinh tế gia đình và môi trường sống, đồng thời có đời sống nội tâm phong phú.
2.4. Yếu tố tâm lý lứa tuổi tiểu học
Tuy cùng chịu sự chi phối của những quy luật và yếu tố như ở các giai đoạn phát triển khác, nhưng mỗi một giai đoạn lứa tuổi trong quá trình phát triển tâm lí của cá thể nói chung và trẻ em nói riêng là một khoảng thời gian nhất định với những đặc trưng riêng của một trình độ phát triển. Lứa tuổi học sinh tiểu học là một giai đoạn phát triển với các đặc trưng sau: Học sinh tiểu học thường là những trẻ có tuổi từ 6 – 11, 12 tuổi. Đây là lứa tuổi đầu tiên đến trường- trở thành học sinh và có hoạt động chủ đạo. Trẻ em lứa tuổi học sinh tiểu học thực hiện bước chuyển từ hoạt động vui chơi là hoạt động chủ đạo sang học tập là hoạt động chủ đạo. Là hoạt động lần đầu tiên xuất hiện với tư cách là chính nó, hoạt động học tập có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển tâm lí của học sinh tiểu học.
Tuổi tiểu học là tuổi của sự phát triển hồn nhiên bằng phương thức lĩnh hội. Cùng với việc lĩnh hội, tiếp thu một hệ thống tri thức về các môn học, trẻ em học cách học, học kĩ năng sống trong môi trường trường học và môi trường xã hội. Cùng với sự ảnh hưởng khá lớn của môi trường giáo dục gia đình và quan hệ bạn bè cùng tuổi, cùng lớp và trường học, học sinh tiểu học lĩnh hội các chuẩn mực quy tắc đạo đức của hành vi.
Lứa tuổi được đặc trưng bởi một loạt những yếu tố:
- Những đặc điểm của điều kiện sống, hoạt động và các yêu cầu đề ra cho trẻ ở giai đoạn phát triển hiện tại. Ở mỗi lứa tuổi, các em sống trong hoàn cảnh nhất định, có những mối quan hệ nhất định với thế giới bên ngoài, các em chịu sự tác động nhất định của xã hội, phải đáp ứng những yêu cầu nhất định của người lớn, của xã hội v.v...
- Đặc điểm về cấu trúc sinh lí cơ thể của trẻ em và những biến đổi của chúng.
- Những đặc điểm tâm lí trong cấu trúc nhân cách của đứa trẻ. Ở mỗi lứa tuổi, có những đăc điểm tâm lí mới khác với lứa tuổi trước.
Lứa tuổi học sinh tiểu học (6-11 tuổi): là giai đoạn mà các nhà chuyên môn gọi là Troisième Enfance, lứa tuổi bắt đầu theo học Tiểu học, hoặc còn gọi là Phổ thông cơ sở cấp 1.
Các em rất giàu trí tưởng tượng, nhiều khi quá tin vào những điều huyễn hoặc, những truyện cổ tích thần tiên, những truyện thần thoại dân gian được kể trong các lớp học hoặc trước khi đi ngủ buổi tối. Từ đó các em tự thêu dệt những mơ mộng rất dễ thương đến bất ngờ.
Sau này, lớn hơn một chút, tính thần thoại chuyển dần sang khía cạnh thần tượng hóa một cách đơn giản. Khi các em được tiếp xúc thân tình với một người lớn nào đó có nhân cách cao thượng, các em sẽ nhanh chóng hình thành các ước mơ sẽ có được nhân cách ấy (ví dụ: "Lớn lên em sẽ làm cô giáo như cô..."; "Em sẽ là một Ronaldo của Việt Nam..." ).
Do đó, nếu người lớn biết khéo nương theo trí tưởng tượng và những mơ mộng hồn nhiên trong sáng của các em, có thể hướng dẫn các em dần dần gạn lọc đi những nét viển vông huyễn hoặc để chuyển những giá trị tốt đẹp hiện thực nơi nhân cách các em. Với góc độ thiết kế trang phục, cần phải thiết kế trang trí có đôi nét thể hiện sự ngộ nghĩnh, đáng yêu thì mới đảm bảo phù hợp tâm lý lứa tuổi này.
Trong nghiên cứu đặc điểm tâm lý lứa tuổi tiểu học, một vấn đề không thể bỏ qua đó chính là Đặc điểm về hoạt động và môi trường sống. Hoạt động vui chơi, học tập hay những biến đổi tâm lý kèm theo các hoạt động đó sẽ phần nào quyết định kiểu dáng, màu sắc trong thiết kế trang phục.
Hoạt động của học sinh tiểu học: Nếu như ở bậc mầm non hoạt động chủ đạo là vui chơi, thì đến tuổi tiểu học hoạt động chủ đạo của trẻ đã có sự thay đổi về chất, chuyển từ hoạt động vui chơi sang hoạt động học tập. Tuy nhiên, song song với hoạt động học tập ở các em còn diễn ra các hoạt động khác như:
+ Hoạt động vui chơi: Trẻ thay đổi đối tượng vui chơi từ chơi với đồ vật sang các trò chơi vận động. Các em, kể cả các bé gái, cần phải luôn tay luôn chân, chạy nhảy, leo trèo, nô đùa và hò hét thỏa thích, hoặc im lặng ngồi táy máy, hì hục nghịch phá một trò nào đó, hay làm một việc gì đó vừa sức mình. Riêng bé nam, các em rất thích các trò chơi đối kháng, mang tính giao chiến và đua tranh giữa hai phe (ví dụ: kéo co, cướp cờ, đánh trận giả...). Các em sẵn sàng chơi hăng say hết mình, bởi đối với các em, chuyện thắng thua rất là quan trọng, nó nhằm mục đích tự khẳng định cá tính cho dù các em chưa đủ lý luận cao xa gì lắm về bản thân. Với các em nữ, vấn đề cũng tương tự như khi các em đặc biệt thích các trò chơi tuy nhẹ nhàng hơn con trai, nhưng cũng là chuyện luân phiên thi đua giành phần thắng cho mình (ví dụ: nhảy cò cò, đánh chuyền, nhảy dây, chơi ô ăn quan...). Vậy nên, trang phục thiết kế cho lứa tuổi này phải có kết cấu trang phục, màu sắc, trang trí phù hợp cho sự vận động liên tục của các em.
+ Hoạt động lao động: Trẻ bắt đầu tham gia lao động tự phục vụ bả thân và gia đình như tắm giặt, nấu cơm, quét dọn nhà cửa,... Ngoài ra, trẻ còn tham gia lao động tập thể ở trường lớp như trực nhật, trồng cây, trồng hoa,...
+ Hoạt động xã hội: Các em bắt đầu tham gia vào các phong trào của trường, của lớp và của cộng đồng dân cư, của Đội thiếu niên tiền phong,...
Những thay đổi kèm theo:
+ Trong gia đình: Các em luôn cố gắng là một thành viên tích cực, có thể tham gia công việc trong gia dình. Điều này được thể hiện rõ nhất trong các gia đình neo đơn, hoàn cảnh, các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn,... các em phải tham gia lao động sản xuất cùng gia đìn từ rất nhỏ.
+ Trong nhà trường: Do nội dung, tính chất, mục đích của các môn học đều thay đổi so với bậc mầm non đã kéo theo sự thay đổi ở các em về phương pháp, hình thức, thái độ học tập. Các em đã bắt đầu tập trung chú ý và có ý thức học tập tốt.
+ Ngoài xã hội: Các em tham gia vào một số các hoạt động mang tính tập thể (đôi khi tham gia tích cực hơn cả trong gia đình). Đặc biệt là các em muốn thừa nhận mình là người lớn, muốn được nhiều người biết đến mình.
Ở điểm này, trang phục cho các em phải thiết kế vui tươi và dễ thương, đúng với độ tuổi các em, phải thỏa mãn phần nào trí tưởng tượng tò mò của các em để đưa vào trang phục những hình thức trang trí thích hợp. Ngoài ra, trang phục cũng là một trong những hình thức để giúp chúng ta giáo dục trẻ em. Trong việc giáo dục trẻ em thì hoàn cảnh và mối quan hệ, ảnh hưởng của những người xung quanh đối với trẻ em có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, một điều cần lưu ý làm sao để quần áo trẻ em có tính ưu việt cao về tư tưởng và thẩm mỹ. Trẻ em luôn hoạt động, vận động nên khi thiết kế trang phục cho trẻ cần thoải mái, thuận tiện trong mọi điều kiện.
Bộ trang phục đẹp, thuận tiện, phù hợp với chức năng, không những góp phần phát triển óc thẩm mỹ mà còn giáo dục kỹ năng lao động, tính ưa sạch sẽ, tính cẩn thận, tính kỷ luật, tính khiêm tốn và những đức tính khác của con người tương lai trong xã hội văn minh. Quần áo luôn luôn liên quan tới hoạt động nào đó của con người và có thể sử dụng trong những mục đích khác nhau. Thông qua trang phục còn giúp trẻ hiểu biết tính thẩm mỹ trong bản sắc văn hoá dân tộc.
Hình 1. Hoạt động của trẻ em lứa tuổi tiểu học
2.5. Đặc điểm khí hậu
Đặc điểm khí hậu vùng miền là một trong những yếu tố quan trọng trong việc thiết kế trang phục nói chung cũng như trang phục học sinh tiểu học. Điều kiện khí hậu chính là một trong những cơ sở để thiết kế trang phục phù hợp hơn với đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em.
Lãnh thổ Việt Nam nằm trọn trong vùng nhiệt đới, và nằm ở rìa phía đông nam của phần châu Á lục địa, giáp với biển Đông nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của kiểu khí hậu gió mùa.
Việt Nam có ba miền khí hậu chủ yếu, bao gồm: miền khí hậu phía Bắc, miền khí hậu phía Nam, miền khí hậu Trung và Nam Trung Bộ.
Miền Bắc Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa xuân, hè, thu, đông rõ rệt. Mùa xuân miền Bắc bắt đầu từ tháng 2 cho đến hết gần tháng 4, là mùa đẹp nhất trong năm.
Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9, vào mùa này thì nhiệt độ trong ngày khá nóng và mưa nhiều. Tháng nóng nhất thường là vào tháng 6.Tháng 5 đến tháng 8 là tháng có mưa nhiều nhất trong năm. Vậy, trang phục nói chung, đồng phục học sinh tiểu học nói riêng nhất thiết phải thiết kế chất liệu thấm hút mồ hôi, kiểu dáng, trang trí đơn giản. Màu sắc nên kết hợp những màu sáng nhẹ với một màu nào đó phù hợp với lứa tuổi, vừa tạo nên sự phù hợp với đặc điểm thời tiết mùa hè.
Mùa thu chỉ vỏn vẹn trong hai tháng 9 và 10. Thu miền Bắc rất đẹp, trời trong xanh, không khí mát mẻ.
Mùa đông thường kéo dài vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau (phổ biến ở miền Bắc Việt Nam), mùa này khí hậu lạnh và hanh khô. Chính vì thế, trang phục ngoài việc làm ấm áp cho các em thì trang phục cần gọn gàng, thuận tiện trong quá trình hoạt động và vui chơi của các em. Ngoài ra, nên chọn và phố những màu sắc ấm áp, phù hợp với tâm lý lứa tuổi này, đó là vẫn phải đảm bảo tính trang trọng, nghiêm túc mà vẫn thỏa mãn trí tưởng tượng, tâm lý thích bắt chước của trẻ em. Với các trường học, thời điểm mùa đông là học sinh ngại mặc đồng phục nhất do các em thường chọn những kiểu trang phục ấm áp mà áo đồng phục mùa đông thường thiết kế hai lớp mỏng. Nhưng áo đồng phục cũng không thể thiết kế quá ấm áp vì học sinh còn sử dụng trong thời tiết mùa thu, mùa xuân.
Hình 2. Trang phục trẻ em theo mùa khí hậu
2.6. Thông số, kích thước trẻ em lứa tuổi tiểu học
Trong thiết kế trang phục trẻ em ngoài các yếu tố kể trên, yếu tố chọn, phân tích thông số kích thước đối tượng là công việc hết sức quan trọng. Công việc này đòi hỏi nhà thiết kế phải hiểu sâu về đặc điểm nhân trắc học cơ thể người, nắm vững kiến thức Ecgônômi trong thiết kế sản phẩm, hiểu được tâm sinh lý lứa tuổi…
Ở bất kỳ nước nào cũng có tiêu chuẩn cỡ số trong may mặc. Ở nước ta cũng đã có một số tiêu chuẩn cỡ số trong may mặc. Tiêu chuẩn cỡ số được xây dựng dựa trên cơ sở kết quả khảo sát trên cơ thể người ở các vùng khác nhau: Thành thị, nông thôn, miền núi, miền biển….Vì điều kiện lao động sinh hoạt khác nhau nên cơ thể cũng phát triển khác nhau. Các số liệu này được xử lý một cách khoa học, từ đó xây dựng số đo chung nhất cho từng cỡ. Đối với hàng may sẵn hệ thống cỡ số này có tác dụng rất lớn vì nó sẽ đáp ứng được phần lớn 95% người sử dụng, phục vụ tốt cho việc triển khai sản xuất hàng loạt.
Kích cỡ trang phục liên quan trực tiếp đến số đo của cơ thể, do đó để thiết kế được trang phục trẻ em có độ vừa vặn thì điều đầu tiên đó là phải khảo sát được số đo chính xác nhất. Không giống như độ tuổi trưởng thành, có thông số kích thước cơ thể người tương đối ổn định thì thong số, kích thước của trẻ em có sự thay đổi trong các giai đoạn khác nhau. Đặc biệt ở lứa tuổi tiểu học, các bé có giai đoạn đầu là kích thước của nhi đồng và giai đoạn sau là của tiền thiếu niên cho nên kích thước lứa tuổi này rất phức tạp. Vì vậy, thiết kế trang phục trẻ em lứa tuổi này cần nắm được thông số, kích thước trẻ em để có sự vừa vặn trong trang phục.
2.7. Tác động của các loại hình giải trí – nghệ thuật tới trang phục trẻ em
Điện ảnh
Một số tác phẩm điện ảnh hoặc phim chuyển thể từ những câu chuyện cổ tích có ảnh hưởng tới trang phục trẻ em như Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn, Tazan nhí, Harry Potter, Alice lạc vào xứ sở thần tiên… những tác phẩm này ảnh hưởng nhiều đến cách mặc của trẻ em vì các em cũng có những thần tượng từ những bộ phim này. Thường thì những tác phẩm này được chuyển thể từ truyện, các em đã tưởng tượng nhiều về trang phục của các nhân vật mà mình yêu thích, khi được các đạo diễn chuyển thể thành phim, hình tượng các nhân vật đó rõ ràng hơn từ hình dáng, khuôn mặt cho đến trang phục. Việc trẻ em muốn có những bộ quần áo giống như các thần tượng của mình trên phim cũng được các nhà sản xuất thời trang chú trọng. Do đó, ảnh hưởng của điện ảnh tới trang phục của trẻ là điều rất dễ nhận thấy.
Hình 3. Trang phục dựa theo bộ phim:”Alice lạc vào xứ sở thần tiên”
Âm nhạc
Âm nhạc không chỉ ảnh hưởng tới thời trang dành cho người lớn mà bản thân âm nhạc cũng có ảnh hưởng tới trang phục trẻ em rất nhiều. Theo như điều tra, các thần tượng âm nhạc lớn cũng có ảnh hưởng riêng tới sở thích của các bé. Trẻ em cũng muốn được trở thành những thần tượng của mình, do vậy, các bé cũng hình thành lên những sở thích về cách mặc giống như thần tượng.
Trong những năm gần đây, ở Việt Nam có nhiều cuộc thi về âm nhạc Đồ rê mí dành cho các bé. Những mẫu thiết kế dành cho các bé biểu diễn cũng phần nào ảnh hưởng đến cách chọn trang phục cho con mình của phụ huynh hoặc sở thích của các bé.
Hoạt hình
Có thể nói, các nhân vật hoạt hình có ảnh hưởng nhiều đến đời sống vui chơi giải trí của trẻ em ngay từ nhỏ. Các bé nam có những nhân vật hoạt hình ưa thích riêng của mình như Ben 10, Spider man,… hoặc bé gái thì có nhiều những hình tượng yêu thích như công chúa Elsa, Lọ Lem, Bạch Tuyết, búp bê… Các hình tượng này cũng được các nhà sản xuất thời trang dành cho trẻ em khai thác nhiều. Nếu yêu thích thần tượng nào, các bé sẽ ưu tiên chọn lựa trang phục mà trên đó có hình ảnh của thần tượng đó.
Hãng Disney cũng có hẳn một bộ phận sản xuất các sản phẩm thời trang có ảnh hưởng cũng như là có hình ảnh của các nhân vật trong các phim hoạt hình mà hãng sản xuất ra như công chúa Elsa, vịt Donald, chuột Mickey…
Hình 4. Trang phục dựa theo bộ phim: “Nàng Bạch Tuyết và Bảy chú lùn”
Game và các sản phẩm đồ chơi khác
Khoa học kỹ thuật phát triển, nhu cầu giải trí của con người cũng từng bước thay đổi đòi hỏi những phương tiện cao cấp hơn. Trong những năm gần đây, game phát triển mạnh, một số trò chơi cũng có những hình thái, cách chơi, hình ảnh vui nhộn đáng yêu mà trẻ em rất yêu thích, các sản phẩm đồ chơi dành cho các bé cũng phần nào đó ảnh hưởng đến trang phục trẻ em.
Do vậy, trong thiết kế trang phục trẻ em lứa tuổi tiểu học, cần nghiên cứu kỹ những ảnh hưởng của các yếu tố trên để thiết kế trang phục sao cho phù hợp, độc đáo, không làm mất đi những đặc trưng lứa tuổi này.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thủy Bình (2005), Giáo trình Mỹ thuật trang phục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Hà Châu (1990), Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học: Xây dựng hệ thống cỡ số cơ thể người lớn và trẻ em để thiết kế sản phẩm quần áo, giày, mũ và găng tay, Trung tâm nghiên cứu công nghệ may.
3. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thùy (2006), Tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Nxb Tiền Giang, Tiền Giang.
4. Đỗ Văn Thông, Giáo trình tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, Khoa Sư phạm, Đại học An Giang.
4. Các website chuyên ngành
5. https://vtudien.com/