Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

ĐỊNH HƯỚNG THIẾT KẾ THỜI TRANG THEO HÌNH ẢNH CÁ NHÂN

Ngày đăng: 03:12 - 08/02/2023 Lượt xem: 338
                                  Ths. Khúc Thị Minh Phượng
                                  Khoa TKTT
           Sản phẩm thiết kế thời trang với những bản vẽ phác thảo hấp dẫn theo ý tưởng, những sản phầm thời trang hoàn thiện tỉ mỉ, những show trình diễn thu hút và hoành tráng… thường được hiểu là công đoạn quan trọng nhất, thể hiện thành công hay thất bại của bộ sưu tập thời trang. Các công đoạn trước có khi bị hiểu là công đoạn "nháp" không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả của quá trình thiết kế. Nhưng, thực tế không phải như vậy!!!

          Trong quy trình thiết kế thời trang, việc xác định khách hàng mục tiêu để biết sản phẩm cần làm cho ai và cần đạt được những yêu cầu gì, đó chính là khâu đầu tiên để mở ra một con đường đi, tìm một đích đến nhất định cho sản phẩm. Từ việc tìm hiểu, phân tích các thông tin của khách hàng để tìm ra một lối đi đúng và phù hợp với tất cả các tiêu chí của khách hàng, bắt kịp với xu hướng hiện đại, yêu cầu của thị trường, đó chính là Định hướng thiết kế. Đây là một bước vô cùng quan trọng quyết định cho sự thành công hay thất bại của sản phẩm thời trang sẽ ra đời ở giai đoạn sau.

          Ngày nay, nhu cầu về việc xây dựng hình ảnh cá nhân thông qua trang phục thực sự rất cần thiết. Một số bộ phận khách hàng như doanh nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng… luôn có nhu cầu đặt hàng thiết kế trang phục bởi những nhà thiết kế chuyên nghiệp để tạo dựng hình ảnh cá nhân, khẳng định hoặc làm mới mình. Việc thiết kế cho một khách hàng cụ thể (thiết kế theo hình ảnh cá nhân) lại là một mảng thực sự khó vì nhà thiết kế phải nghiên cứu và phân tích rất tỉ mỉ những đặc điểm hình thể, tính cách, môi trường sử dụng, mức thu nhập rồi mong muốn... theo đơn đặt hàng của khách hàng để đưa ra những Định hướng theo hình ảnh cá nhân phù hợp nhất.
Bài viết muốn đề cập và minh họa công đoạn Phân tích khách hàng đến Định hướng thiết kế theo hình ảnh cá nhân để giúp sinh viên ngành Thiết kế thời trang và những người quan tâm tới lĩnh vực Thời trang tham khảo và có cách nhìn đa chiều hơn về công việc của nhà thiết kế thời trang. Dưới đây là nội dung nghiên cứu cụ thể cho đối tượng khách hàng nam để minh họa cụ thể cho nội dung bài viết này.

A. Thông tin về khách hàng
          Trước khi đưa ra được định hướng, nhà thiết kế cần sưu tầm tất cả những thông tin, hình ảnh của khách hàng mà thông tin đó có thể ảnh hưởng đến thiết kế trang phục như: Đặc điểm cơ thể; Sở thích, tính cách; Môi trường sống và làm việc, thu nhập; Mong muốn của khách hàng (thay đổi hoàn toàn hình ảnh của bản thân hay vẫn như hình ảnh cũ, chỉ thay đổi kiểu trang phục mới hơn...).
=> Từ những phân tích này, nhà thiết kế mới có cái nhìn đầy đủ và tổng quan về cuộc sống của khách hàng để đưa ra phương án thiết kế tốt nhất.
          1- Thông tin chung:
Thông tin về khách hàng cần nghiên cứu thông thường bao gồm những nội dung sau:
          + Nghề nghiệp, công việc cụ thể
          + Tính cách, sở thích
          + Thói quen mua sắm, môi trường sống
          + Thu nhập, mức giá thường chi trả cho trang phục
          + Thói quen, phong cách thời trang ưa thích
          + …
Ví dụ:
  • Họ và tên: Nguyễn Văn A
  • Đang là sinh viên năm 4 Đại học Bách Khoa Hà Nội + Sinh viên FPT Arena Multimedia
  • Công việc: Kĩ thuật viên tại Gryphon elevator company - Graphic designer
  • Tính cách: Hướng ngoại, độc lập, ham học hỏi,…
  • Thu nhập/ tháng: ~ 10 triệu
  • Sở thích: Du lich, đi phượt, nấu ăn , gặp gỡ giao lưu cùng bạn bè,…
  • Thói quen mua sắm: các hãng thời trang của Việt Nam như BOO,Carnifa,…, đôi khi là đồ second hand
  • Màu sắc yêu thích: Hunter Green (Xanh lá đậm)
     - Phong cách thời trang yêu thích: Classic (mangto, áo sơ mi, quần âu,…) kết hợp nét trẻ trung năng động
2. Phân tích đặc điểm hình thể:  
Khi quan sát hình thể, cần phân tích những đặc điểm chính như ưu điểm nổi bật, nhược điểm chính của cơ thể để đưa ra những phương án thiết kế trang phục phù hợp, che giấu được nhược điểm cho khách hàng. Cần phân tích những đặc điểm sau:
+ Chiều cao, cân nặng, số đo
+ Ưu điểm cơ thể
+ Nhược điểm cơ thể
+ Đặc điểm vóc dáng
Ví dụ:
* Ưu điểm:
+ Chiều cao, cân nặng: 1m80/60kg. Số đo: 85-75-87
+ Cao, tỉ lệ  cơ thể tương đối đúng chuẩn, chân thẳng; Khuôn mặt nam tính, góc cạnh.
* Nhược điểm:
+ Gày, vai khá rộng so với thân
+ Ngang ngực hẹp, lưng hơi gù
+ Cổ dài
* Vóc dáng: hình thang ngược chuẩn cơ thể nam nhưng bị gầy và mảnh
3. Mong muốn
          Khi tìm hiểu và phân tích khách hàng, ngoài phân tích thông tin chung và đặc điểm hình thể, một yêu cầu bắt buộc đối với nhà thiết kế là tìm hiểu mong muốn khách hàng để xác định rõ yêu cầu và mục tiêu mà họ hướng đến, thường là tìm hiểu qua những ý như sau:
          + Khách hàng muốn giữ nguyên phong cách hiện tại hay thay đổi?
          + Muốn thể hiện trang phục theo đặc trưng nghề nghiệp hay tính cách, giới tính, lứa tuổi,…?
          + Muốn hợp xu hướng thời trang hay không?
          + Khách hàng có thể đầu tư nhiều thời gian hay tiền cho trang phục không?
          + …
Ví dụ:
Khách hàng minh họa trong bài viết thể hiện mong muốn: “Năm nay mình 22 tuổi, hiện tại mình đang là sinh viên học song song giữa 2 trường đại học và đi làm thêm, nên mình hầu như không có thời gian để quan tâm tới ngoại hình. Công việc chính của mình là kĩ thuật viên nhưng ngoài ra mình còn là Graphic designer, vì vậy mong muốn của mình là thay đổi trang phục có tính lịch sự, trưởng thành, tạo cảm giác uy tín nhưng vẫn phải trẻ trung năng động, phù hợp với lứa tuổi và công việc Design”

Nguồn ảnh: bài tập học phần Sáng tác mẫu thời trang 4 – SV Đỗ Thị Hằng ĐHTT-K4
 
4. Phân tích phong cách thời trang hiện tại
Một bước công việc quan trọng tiếp theo, nhà thiết kế cần phân tích hình ảnh về phong cách thời trang hiện tại của khách hàng để tìm ra được ưu điểm cần phát huy và nhược điểm hay mong muốn cần khắc phục. Ở bước này, sự phân tích nhạy bén của nhà thiết kế sẽ mở ra hướng tư vấn, định hướng mới cho diện mạo của khách hàng hoàn thiện hơn.
Thông thường, khi nhận được yêu cầu thiết kế từ khách hàng để làm mới hình ảnh trong mọi hoàn cảnh, nhà thiết kế cần tìm hiểu đồng bô tất cả các mảng thời trang mà khách hàng đang sử dụng như: thời trang dạo phố, thời trang đi làm và thời trang cho những sự kiện đặc biệt (như dự tiệc, sự kiện,...).
Khi quan sát và thu thập hình ảnh về trang phục hiện tại của khách hàng, cần phân tích phong cách hiện tại, tông màu quen thuộc và ưa thích, họa tiết, kiểu dáng, chất liệu, phụ kiện, sự phù hợp của trang phục với hoàn cảnh và môi trường sử dụng,… Từ đó, đưa ra những nhận xét ngắn gọn về ưu điểm và nhược điểm trong cách lựa chọn trang phục của khách hàng để đưa ra được định hướng thiết kế tốt nhất.
Ví dụ:
THỜI TRANG DẠO PHỐ
Ưa thích phong cách Minimalism (phong cách tối giản): không có chi tiết cầu kì, chỉ mặc những kiểu thời trang cơ bản như  áo sơ mi, quần âu,…
Màu sắc thường sử dụng: tone trầm, màu đơn sắc, ít đa dạng về màu sắc, họa tiết.
=> Ưu điểm: lựa chọn phong cách thời trang an toàn phù hợp hoàn cảnh và dáng người, dám thử nghiệm những mẫu lạ và sáng tạo.
Nhược điểm: Trang phục thường có màu tối, trầm, xỉn không phù hợp với làn da hơi tối và tuổi thanh niên, phong cách chưa đa dạng, một số trang phục để lộ khuyết điểm cơ thể (lưng gù, cổ dài); Họa tiết phù hợp với sở thích và nghề nghiệp nhưng chưa đặc sắc.




 
Nguồn ảnh: bài tập học phần Sáng tác mẫu thời trang 4 – SV Đỗ Thị Hằng ĐHTT-K4
 
THỜI TRANG CÔNG SỞ
Trang phục công sở chủ yếu là áo polo, quần âu sơ mi, phụ kiện đi kèm là túi chéo, balo da, thắt lưng, màu trung tính
=> Ưu điểm: Phối hợp trang phục hợp với tuổi, hiện đại, biết phối đồ layer, màu đơn sắc phù hợp với môi trường công sở nghiêm túc
          Nhược điểm: Chưa có sự phân định rõ ràng giữa trang phục dạo phố và công sở, cách xử lý họa tiết và trang trí trên trang phục chưa đa dạng, chưa thể hiện được đặc thù công việc của Designer trên trang phục như mong muốn.  

 
Nguồn ảnh: bài tập học phần Sáng tác mẫu thời trang 4 – SV Đỗ Thị Hằng ĐHTT-K4
 
THỜI TRANG DỰ SỰ KIỆN
Sự kiện tham gia: dự tiệc tối của công ty; sinh nhật; đám cưới...
Trang phục chủ yếu là vest, quần jeans, giày combat boots; Màu sắc chủ yếu: tối, đơn sắc
=> Ưu điểm: phù hợp tính lịch sự dành cho thời trang đi tiệc, biết cách phối đồ để che đi khuyết điểm cơ thể
      Nhược điểm: đôi khi màu sắc tối sẽ không phù hợp với tiệc có tính vui tươi (cưới hoặc sinh nhật), kết hợp trang phục chưa đúng nguyên tắc khiến khuyết điểm thân hình tam giác ngược rõ hơn; Tổng thể trang phục màu tối tạo ra dáng người càng mảnh và gầy hơn. Trang phục chưa có điểm nhấn nổi bật khi dự sự kiện.

 
 
   
Nguồn ảnh: bài tập học phần Sáng tác mẫu thời trang 4 – SV Đỗ Thị Hằng ĐHTT-K4
 
NHẬN XÉT TỔNG QUAN TỪ NHÀ THIẾT KẾ
  • Ưu điểm: thời trang tương đối phù hợp với hoàn cảnh, biết ưu và nhược điểm của bản thân để sử dụng một số kiểu trang phục phù hợp
  • Nhược điểm: ở một số mảng dạo phố hay dự sự kiện, trang phục còn chưa đúng nguyên tắc phối đồ, đôi khi chưa phù hợp với dáng người, để lộ khuyết điểm cơ thể; phối màu đơn điệu, chưa nổi bật, thiếu họa tiết; Phong cách chưa đa dạng khi sử dụng trong các dịp khác nhau.
 B. Định hướng thiết kế
          Từ những phân tích, nhận định như trên, kết hợp với kiến thức chuyên môn và cập nhật xu hướng thời trang, nhà thiết kế cần phác ra định hướng thiết kế cụ thể để làm kim chỉ nam cho các mẫu sáng tác về sau. Định hướng này cần đảm bảo những yếu tố sau:
+ Khắc phục nhược điểm, tôn lên ưu điểm hình thể
+ Phù hợp với công việc, môi trường sử dụng, thói quen sống…
+ Thích hợp với lứa tuổi, giới tính
+ Mức giá sản phầm hợp lý với thu nhập
+ Thể hiện được mong muốn của khách hàng
+ Đảm bảo về thẩm mỹ với các yếu tố mỹ thuật và nguyên tắc thiết kế
+ Cập nhật những xu hướng thời trang mới, lựa chọn xu hướng phù hợp để đưa vào mẫu thiết kế (đây là yếu tố quan trọng trong thiết kế thời trang chuyên nghiệp, cập nhật xu hướng sẽ giúp nhà thiết kế luôn bắt kịp thị hiếu thẩm mỹ hiện đại của thế giới để thiết kế những sản phẩm không lỗi mốt, lạc hậu)
          Nhân vật minh họa trong bài viết này là một nam sinh viên năng động, có nghề nghiệp liên quan đến nghệ thuật, cùng với những đặc điểm hình thể và môi trường sử dụng như đã phân tích ở trên, nhà thiết kế có thể đưa ra định hướng thiết kế như sau:
Ví dụ:
THỜI TRANG DẠO PHỐ
  • Phong cách Aesthetics – Thời trang dựa trên xu hướng nghệ thuật
  • Phong cách Asthetics bao gồm :
  • Vintage: Áo polo nam, quần jean lưng cao, áo khoác denim và áo thun nam graphic
- Minimalism: lựa chọn tương đồng với phong cách ưa thích của đối tượng với quần tây, áo sơ mi, áo blazer,.. tông màu trung tính; Khai thác các kiểu dáng áo choàng, áo bomber
  • Hạn chế sử dụng dáng áo quá dài gây mất cân đối
  • Dáng áo nhiều layer; Quần ống đứng, đối xứng
  • Khai thác xu hướng thời trang nam từ nhà mốt Paul Smith Spring 2023 Menswear Fashion Show
   
 
Nguồn ảnh: Paul Smith Spring 2023 Menswear Fashion Show
=> Lựa chọn thiết kế dạo phố chủ yếu dựa trên phong cách ưa thích của đối tượng, nhưng có khai thác thêm phom dáng ngẫu hứng, xu hướng thời trang hiện đại để trang phục có thiết kế nghệ thuật, mới và lạ hơn; Kết cấu tầng lớp rõ ràng, sử dụng nguyên tắc đối lập triệt để và sử dụng màu sắc với các tone màu lạ và nghệ thuật phù hợp xu hướng thời trang cho giới trẻ năng động, yêu thích nghệ thuật.
THỜI TRANG CÔNG SỞ
Lựa chọn phong cách Retro Aesthetics – lấy cảm hứng từ  những năm 60
  • Không cần quá đa dạng về mẫu mã
  • Form dáng phóng khoáng thoải mái phù hợp khi làm việc với thời gian dài
  • Màu sắc hướng tới nghiêng về các tone màu ấm như màu nâu da, vàng cam, đỏ đậm rượu vang và trắng ngà
  • Họa tiết chủ đạo: hoa nhiệt đới. Họa tiết giúp nổi bật trang phục tạo điểm nhấn (phù hợp với công việc design), sử dụng họa tiết in tràn
  • Chất liệu từ vải da mềm mại, thoáng mát thường được ưu ái sử dụng
  • Đi kèm không thể thiếu phụ kiện: Giày sneaker, đồng hồ và phụ kiện

Nguồn ảnh: Burberry Prorsum Men's Collection

=> Định hướng thiết kế thời trang công sở theo xu hướng cởi mở, phóng khoáng với áo mở cúc, layer, bất đối xứng và họa tiết cách điệu nghệ thuật, màu sắc ngẫu hứng theo tone trầm ấm hoặc trung tính sẽ phù hợp với dáng người cao, gầy và những người có tính cách nghệ sĩ, công việc liên quan đến mảng nghệ thuật, không đòi hỏi sự gò bó trong trang phục.
THỜI TRANG SỰ KIỆN
  • Vẫn định hướng theo phong cách quen thuộc, ưa thích của khách hàng - phong cách MILIMALISM: vẻ đẹp nam tính và lịch lãm, tạo cảm giác những người đàn ông mạnh mẽ, có phong cách thời trang trưởng thành, chín chắn.
  • From dáng chủ đạo: áo vest có vai rộng, chi tiết thắt eo làm nổi bật chân dài, quần ống xuông che khuyết điểm chân nhỏ.
  •  Màu sắc chủ đạo: tone màu trầm (xanh đậm, đen, nâu gỗ …) phù hợp với các buổi tiệc, sự kiện mà không gây xỉn da.
  • Định hướng theo thiết kế của Louis Vuitton Desfile Otono-Invierno 2022
 


 Nguồn ảnh: Louis Vuitton Desfile Otono-Invierno 2022
 
=> Định hướng mang lại vẻ lịch lãm, mạnh mẽ những vẫn làm nổi bật sự độc đáo, nghệ thuật với màu sắc có tone màu trầm hoặc trung tính, các chi tiết phom dáng thiết kế độc đáo, có phần cởi mở với áo lệch vạt hay kết hợp vạt kiểu khăn choàng, chi tiết thắt lưng nhấn eo...; chi tiết trang trí tối giản nhưng tinh tế đảm bảo khắc phục nhược điểm cơ thể và đảm bảo đúng yêu cầu, mong muốn phù hợp với nghề nghiệp của khách hàng.
 
Kết luận:
          Định hướng thiết kế được nghiên cứu, phân tích kỹ càng, đầy đủ và chi tiết sẽ là tiền đề, là con đường để nhà thiết kế đi đến thành công. Các công đoạn phác thảo mẫu và thể hiện mẫu về sau sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có những định hướng chính xác từ ban đầu. Vì vậy, công việc này luôn là một mắt xích quan trọng trong quy trình sáng tác mẫu của các nhà thiết kế thời trang, nhất là thiết kế thời trang theo hình ảnh của một cá nhân cụ thể. Ngày nay, công việc tư vấn, định hướng về thời trang đã mở rộng tới tất cả các phân khúc khách hàng, không chỉ là nghệ sĩ và giới doanh nhân như trước, ngay cả người bình thường như nhân viên công sở, giáo viên,... cũng có nhu cầu để tư vấn và đặt hàng thiết kế thời trang cho mình để hoàn thiện hình ảnh bản thân. Vì vậy, việc định hướng thiết kế thời trang một lần nữa được nhấn mạnh là một khâu trọng yếu trong quy trình thiết kế thời trang. Các nhà thiết kế cần làm việc một cách chỉn chu, tỉ mỉ và sáng tạo trong công đoạn quan trọng này để đưa ra những phương án phù hợp nhất tới khách hàng.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Sáng tác mẫu thời trang, trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội
2. Bài mẫu của SV Đỗ Thị Hằng – ĐHTT-K4
3. Hình ảnh trang phục của các thương hiệu thời trang: Paul Smith, Burberry, Louis Vuitton
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 252 Tổng truy cập: 29.921.557