Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

CÁC NGUYÊN TẮC PHỐI MÀU TRONG TRANG PHỤC

Ngày đăng: 02:46 - 25/06/2021 Lượt xem: 13.957
Với sự phát triển của ngành công nghiệp thời trang hiện nay, trang phục không chỉ mang ý nghĩa vốn có của nó mà nó là một phương tiện khẳng định giá trị của người sử dụng chúng. Vậy mặc thế nào cho đẹp luôn là câu hỏi được đặt ra đối với mỗi cá nhân cũng như những người nghiên cứu về thời trang. Mặc đẹp phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thể kể đến việc phối màu trong trang phục.
Phối màu trong trang phục không chỉ là một nghệ thuật mà nó còn mang tính chất khoa học. Vì thế, nắm được tính chất, chức năng, tác dụng của màu sắc chúng ta có thể vận dụng để có những bộ trang phục hoàn hảo hơn. Vậy phối màu trong trang phục như thế nào cho đẹp? Bài viết “Các nguyên tắc phối màu trong trang phục” dưới đây sẽ là một tài liệu tham khảo giúp cho sinh viên ngành Công nghệ may và Thiết kế thời trang có thể vận dụng  nguyên tắc phối màu để phân tích thẩm mỹ của các sản phẩm thời trang, để kết hợp trang phục cho cá nhân cũng như vận dụng trong quá trình sáng tác mẫu.
1.1. Màu sắc
1.1.1. Khái niệm màu sắc
           Màu sắc là kết quả hiển thị của các loại ánh sáng có bước sóng ngắn dài khác nhau cho ta cảm giác về màu sắc khác nhau. Khi ánh sáng tác động tới các vật thể và được vật thể hấp thụ hoặc phản xạ lại, rồi kích thích vào cơ quan thị giác, trở thành tín hiệu truyền về bộ não. Tại trung tâm thị giác của vỏ não, những tín hiệu ấy được tổng hợp cho ta cảm giác về màu.
Màu sắc của vật thể mà chúng ta nhìn thấy là do tổng hoà giữa các loại màu sắc: màu sắc của ánh sáng và màu sắc của chính bản thân vật thể, màu sắc của môi trường, màu sắc của bầu khí quyển đang bao bọc xung quanh các vật thể ấy.
Màu sắc – hay nói chính xác hơn cảm giác về màu sắc là ấn tượng được ghi nhận trên võng mạc mắt chúng ta do những chùm ánh sáng màu.
Màu sắc gây nên những phản ứng rất mạnh, chúng ta phải hiểu rõ được tính chất của màu sắc mới có thể phối các màu sắc lại với nhau. Màu phân biệt với nhau nhờ sắc chính. Tính cách đậm nhạt hay tối sáng của màu gọi là độ sáng, cường độ hay độ mạnh là tính thuần khiết của màu. Màu chính có đỏ, lam, vàng, kết hợp từng đôi cho màu bậc hai là tím, lục, cam. sáu màu này kết hợp lại cho màu bậc ba cứ như vậy cho ta được rất nhiều màu. Nhưng để nghiên cứu người ta thường chỉ xếp 12 màu bậc trên thành 1 vòng gọi là vòng màu cơ bản.
 
 

1.2. Tính chất, vai trò của màu sắc
- Màu bậc một : Còn gọi là màu chính, màu cơ bản, màu bậc nhất. Từ đó có thể pha ra các màu khác (trừ đen và trắng – không màu nào pha trộn ra nó).
 
- Màu bậc hai (màu bổ túc): Còn gọi là màu phụ, màu bậc hai, được pha với phân lượng bằng nhau.
 
 
- Màu bậc ba: Được pha với phân lượng bằng nhau từ màu bậc 1 với màu bậc 2 đứng cạnh nhau trên vòng thuần sắc.
Tương tự ta có màu bậc 4,5,6,7 …. bằng cách pha với phân lượng bằng nhau giữa các màu đứng cạnh nhau trong vòng thuận sắc ta tiếp tục có các màu bậc cao hơn.
- Màu tương phản: Màu đối kháng nhau, khi đứng cạnh nhau màu này làm nổi bật màu kia hay ngược lại.
- Màu nóng, màu lạnh:
           Màu nóng: Gây cảm giác ấm áp, gần, kích thích thị giác –> Màu ngả đỏ: Vàng, cam vàng, cam, cam đỏ, đỏ
           Màu lạnh: Gây cảm giác mát mẻ, dễ chịu hoặc lạnh lẽo, xa –> Màu ngả xanh: Lục vàng, lục, lục lam, lam, tím lam, tím, tím đỏ

 
- Màu trung tính: Màu trung tính do sự kết hợp giữa trắng và đen tạo ra. Màu không thuộc nóng, không thuộc lạnh: Màu xám
+ Xám do đen pha trắng
  + Xám do pha 2 màu tương phản với nhau
  + Xám do pha 3 màu chính với nhau
- Màu tương đồng: Màu tương đồng là những màu thoạt nhìn qua trông chúng có vẻ giống nhau, nhóm màu đứng cạnh nhau trong vòng thuần sắc. Một dãy màu nối tiếp nhau, liên kết nhau chặt chẽ, không phân biệt nóng lạnh (mở rộng cả khi pha với trắng hoặc đen).

Trong thiết kế trang phục, người ta thường áp dụng phương pháp phối màu sắc để nâng cao giá trị thẩm mỹ trong trang phục.
1.2. Các nguyên tắc phối màu trang phục
Phối màu là cách sắp đặt các mảng màu của các chất liệu khác nhau, các chi tiết khác nhau của bộ trang phục. Trong thiết kế trang phục thường vận dụng các nguyên tắc phối màu sau đây:
1.2.1. Phối màu đơn sắc (trang phục một màu)
 Trang phục phối màu đơn sắc cho cảm xúc nghiêm túc, lịch sự, giản dị…Trang phục một màu rất thích hợp trong môi trường học đường, công sở.
- Đặc điểm: Nổi bật, thanh lịch, đậm nét cổ điển, bộc lộ rõ nét phong cách, cá tính người mặc
- Ưu điểm: Đơn giản, lựa chọn đồ nhanh, không lo lỗi phối, dễ phối phụ kiện và make up, phù hợp với nhiều sự kiện khác nhau từ giản đơn đến sang trọng.
- Hạn chế: Tăng thêm tuổi cho bạn, tăng tính nghiêm túc và chuyên nghiệp nên hạn chế mặc khi đi chơi, vui vẻ. Đôi khi có thể gây nhàm chán.
 
   

1.2.2. Phối hợp hai màu bổ túc
Trên vòng tròn màu, màu bổ túc là những màu đối xứng qua tâm, nằm trên đường kính của vòng tròn màu. Đó là đỏ - lục, cam - lam…Phối hợp các màu bổ túc thu hút sự chú ý lớn, để lại ấn tượng mạnh cho người quan sát.
- Đặc điểm: Màu bổ túc điểm nhấn cho trang phục, thu hút sự chú ý, vui tươi và tràn đầy năng lượng.
- Ưu điểm: Ttrẻ trung, năng động, tự tin, vui vẻ gây ấn tượng mạnh, thích hợp với không khí vui chơi.
- Hạn chế: Khó phù hợp nơi công sở hoặc các cuộc gặp gỡ quan trọng, kén độ tuổi.
   
 
1.2.3. Phối hợp màu bộ ba
 Phối hợp ba màu theo nguyên tắc tam giác cân, có đỉnh là một màu nằm trên trục chính đường tròn, hai màu kia là hai màu tương hỗ;      Phối hợp ba màu theo nguyên tắc tam giác cân, hai màu là hai đỉnh tạo cạnh huyền đồng thời là đường kính bất kỳ của vòng tròn màu, màu thứ ba là màu tương hỗ của cả hai màu; Phối hợp ba màu theo nguyên tắc tam giác cân nhưng các màu phân phối trong hai cung phần tư đối góc của vòng tròn màu. Trong đó một màu đối lập với nhóm 3 màu còn lại.
- Đặc điểm: Vui tươi, trẻ trung nhưng đồng thời thể hiện cá tính, bền vững, chắc chắn, ổn định, sắc nét, rõ ràng.
- Ưu điểm: Trang phục phối theo cách này tạo phong cách trẻ trung, sôi nổi nhưng vẫn cân bằng bởi độ an toàn của sắc màu.
- Hạn chế: Sự phối màu này kén tuổi, màu da, kết hợp phụ kiện.

1.2.4. Phối hợp màu tương đồng
Màu tương đồng là những màu liền kề nhau trong vòng tròn màu. Phối hợp các màu tương đồng là khi sử dụng các màu có sắc điệu gần nhau hoặc cùng một sắc nhưng với các độ đậm nhạt khác nhau.
- Đặc điểm: Trẻ trung, duyên dáng, thanh lịch, tinh tế, một chút hơi hướng cổ điển, mang đậm tính nghệ sĩ.
- Ưu điểm: Là sự kết hợp hài họa giữa nét cổ điển và  trẻ trung, tươi tắn. - Hạn chế: Khó và cầu kỳ trong lựa chọn màu phối hợp
 

1.2.5. Phối hợp màu tương phản
Theo nguyên tắc này, một màu sẽ đối lập với một nhóm màu khác hoặc nhóm màu này đối lập với nhóm màu khác.
Một trong những đối lập thường gặp là khi phối hợp hai màu đối xứng nhau trên vòng tròn màu. Hoặc có thể sử dụng đối lập giữa một bên là nhóm các màu tương đồng thuộc nhóm lạnh, còn bên kia là một màu nóng đối lập với chúng.
Tương phản sáng - tối; ngoài ra còn có tương phản các màu hữu sắc - vô sắc, bởi cặp tương phản này khá ổn định, dễ làm, nhanh đạt hiệu quả.
- Đặc điểm: Màu tương phản tạo điểm nhấn cho trang phục, gợi sự mạnh mẽ và đầy năng lượng, tràn đầy sức sống.
- Ưu điểm: Tạo cảm giác trẻ trung, năng động, tự tin, vui vẻ hơn cho người mặc, thích hợp với không khí vui chơi, tiệc tùng, các cuộc dạo chơi ngoài trời.
- Hạn chế: Kén màu da, màu tóc và tông màu make up, khó phù hợp nơi công sở hoặc các cuộc gặp gỡ quan trọng, kén độ tuổi (với phụ nữ trên 30 tuổi)
 
Trên đây là một số phương pháp phối màu cơ bản trong thiết kế trang phục. Nắm được những nguyên tắc này sẽ giúp cho chúng ta có những cách phối màu phù hợp cho cá nhân cũng như trong thiết kế trang phục, nâng cao giá trị thẩm mỹ cho người sử dụng.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Thủy Bình (2005), Giáo trình Mỹ thuật trang phục, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
2. Nguyễn Duy Lẫm, Đặng Thị Bích Ngân - Màu sắc và Phương pháp vẽ màu,  Nxb Mỹ thuật;
3. Các website chuyên ngành.
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 41 Tổng truy cập: 18.636.776