Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
KHOA THỜI TRANG

CÁC LOẠI CHẤT LIỆU MỚI TRONG NGÀNH THIẾT KẾ THỜI TRANG

Ngày đăng: 09:09 - 08/12/2022 Lượt xem: 295
                                                       Lê Diệu Linh
Tổ Thời trang 1 – Khoa Thời trang
  1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Thời trang, đã và đang bước vào một kỷ nguyên mới: The New Material Age. Viễn cảnh giới hạn về sợi tự nhiên và da đã thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang tìm kiếm các lựa chọn khác. Điều này đã mở ra kỷ nguyên của vải sợi hóa học. Ngày nay, các nhà thời trang, nhà khoa học, nhà thiết kế và cả những nhà đầu tư đang ngày càng quan tâm đến các loại vật liệu tiên tiến như một giải pháp thay thế, chấm dứt vấn nạn mà các loại vải sợi tổng hợp đã gây ra. Chất liệu thay thế được tạo ra từ các nguồn nguyên liệu hữu cơ, thân thiện và bền vững với môi trường như nấm, phụ phẩm nông nghiệp hay protein (lấy cảm hứng từ DNA của nhện)… Trên thực tế, các nhà sản xuất đều nhận ra rằng những loại vật liệu thay thế này chính là những gì mà người tiêu dùng đang tìm kiếm và mong đợiNhững sáng kiến và tư duy mới của  New Material Age trong thời trang đã thể hiện sự nhận thức tiến bộ về môi trường của ngành công nghiệp Thời trang.
Những món đồ thời trang được tạo nên từ các chất liệu bền vững đang dần “thống lĩnh” xu hướng thị trường may mặc như một sự thay đổi tất yếu của ngành công nghiệp tỷ đô. Theo bước chân của người mẫu trên sàn catwalk, hàng loạt bộ sưu tập cứ thế được ồ ạt tung ra thị trường và đưa đến cộng đồng mộ điệu như minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp thời trang. Trái với quy mô và lợi nhuận khổng lồ của làng mốt, thiên nhiên lại phải “gồng mình” tiếp nhận hàng triệu tấn rác thải hằng năm, cũng như liên tục cung cấp tài nguyên cho quy trình sản xuất. Thế nhưng, luôn có những giải pháp mới khi chúng ta vẫn có cơ hội “xanh hoá” cho ngành thời trang phù phiếm bằng những chất liệu mang tính bền vững hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao trong xu hướng chất liệu trong ngành công nghiệp may mặc.
 2.   NỘI DUNG:
  1. Chất liệu bền vững từ vỏ tôm và bã cà phê – Tômtex

Chất liệu sinh học mới đến từ hai nguồn nguyên liệu chính là Chitin (dẫn xuất từ vỏ thủy/hải sản và sợi nấm) song song với bã cà phê. Với hai vật liệu này, TômTex là sản phẩm da nhân tạo thân thiện với môi trường cho thời trang, thay thế da động vật [2].

NTK Uyên Trần đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Thế giới đang cạn kiệt nguyên liệu thô, vì vậy tái sử dụng những chất thải này thành một nguyên liệu sinh học mới, dễ tiếp cận trong cuộc sống hàng ngày để giúp mọi người hiểu rõ hơn về vấn đề và góp phần tạo ra sự thay đổi”[5].
Lấy cảm hứng từ những chất liệu quen thuộc mà ít ai nghĩ đến là vỏ tôm và bã cà phê, cô đã tạo nên Tômtex – chất liệu sinh học vừa cứng vừa dẻo này có thể thay thế da động vật và dễ dàng tạo ra các hoa văn thông qua quá trình in 3D hoặc thủ công bằng đất sét. Chất liệu Tômtex cũng sở hữu khả năng chống nước hiệu quả nhờ vào lớp sáp ong trên bề mặt [3].

Hình 2. Chiếc áo được làm từ vỏ tôm và bã cà phê [6].(Ảnh: Tômtex)        
 
2.2. Vải từ xơ tre
Vải từ xơ tre (bamboo fiber) mới xuất hiện vào những thập niên đầu tiên của thế kỷ XXI nhưng đã thể hiện ưu thế với nhiều tính chất đặc biệt hấp dẫn người sử dụng sản phẩm may mặc. Việc tách xơ từ cây tre đã được thực hiện bằng cách phương pháp vật lý và sinh học mà không cần sử dụng hóa chất. Quá trình đó có thể khái quát như sau: cắt ngắn tre thành khúc như tiêu chuẩn → phân rã xơ bằng cách nấu ở nhiệt độ cao áp suất cao nhiều lần → rửa và ép để loại bỏ keo lignin và các tạp chất sau mỗi lần nấu → tạo thành xơ thô → hoàn tất xơ bằng các quá trình tẩy trắng, làm mềm và tăng độ bền → xơ thành phần được chuyển sang quá trình kéo sợi dệt vải [1].

Vải được dệt từ xơ tre có nhiều tính chất quí như: mềm mại, ít nhàu hơn cotton, có khả năng kháng khuẩn, khử mùi, hấp thụ tia UV ngăn xuyên vào da người mặc, có khả năng tự phân hủy sinh học tốt cho môi trường, khả năng thấm hút tốt, độ bền cao...
         Sợi bamboo là sợi tự nhiên vì có nguồn gốc thiên nhiên. Toàn bộ quá trình sản xuất là một quá trình tương đối “xanh” mà không gây ô nhiễm. Đây là nguyên liệu thời trang độc đáo và thân thiên với môi trường [4].
 
Vải từ xơ tre rất thích hợp cho các sản phẩm may mặc như áo sơ mi, trang phục lót, bít tất và đặc biệt hiện nay các mặt hàng khăn ăn, khăn tắm. Nhưng cần chú ý vải dễ co lại sau mỗi lần giặt và lâu khô [4].
 
Với tính chất kháng khuẩn cao, thấm hút tốt lại mềm mại, không gây kích ứng cho da. Vải bamboo thường để sản xuất các sản phẩm dành cho làn da nhạy cảm của em bé. Các sản phẩm phổ biến được người tiêu dùng ưa chuộng như là: quần áo, chăn gối, khăn xô, tất vớ,….[4].
  1. Sợi đậu nành (Soyean protein fiber _SPF)

         Chứa đựng những protein có nguồn gốc từ vỏ đậu nành, chất liệu này có độ đàn hồi cao, khả năng xếp nếp tuyệt vời cũng như khả năng thoáng khí vô cùng tốt. Chính vì thế, sợi đậu nành dần được ưa chuộng trong sản xuất đồ thể thao và những loại trang phục bó sát dành cho phụ nữ.
2.4. Sequin từ chất liệu phân hủy hữu cơ và nhựa tái chế
Sequin (vải kim sa) là một phần không thể tách rời trong thiết kế khi nó tạo nên sự hào nhoáng và lộng lẫy của các bộ cánh thời trang. Thế nhưng trên thực tế, việc một mẫu thiết kế dù là bình thường hay haute couture (thời trang cao cấp) đều cần dùng đến hàng trăm nghìn hạt vi nhựa gây ảnh hưởng đến môi trường này sẽ làm bạn phải suy nghĩ lại về việc “ưu ái” chúng. Nhận thức được điều đó, một số nhà thiết kế nổi tiếng như Iris Van Herpen đã dùng sequin làm từ rác thải nhựa cho BST mới nhất của mình nhằm giảm bớt việc tiêu thụ sequin trong may mặc. Tuy vậy, theo một số chuyên gia, đây không được xem là một phương pháp hiệu quả khi số lượng nhựa không giảm đi mà chỉ chuyển đổi từ trạng thái này qua hình thức khác.
Nhận thấy tầm quan trọng của chất liệu thân thiện với môi trường sau những khoá đào tạo tại nhiều quốc gia, Elissa Brunato đã cho ra đời Bio Iridescent Sequin có nguồn gốc 100% từ cellulose và có khả năng phân huỷ ngay trong đất vườn. Với màu sắc cầu vòng óng ánh từ cấu trúc nano đặc trưng và không phụ thuộc vào phẩm màu, đây có lẽ là giải pháp thay thế mang tính đột phá cho những thiết kế sequin rực rỡ của ngành công nghiệp thời trang trong tương lai [7]
2.5. Chất liệu từ cây xương rồng
Trải qua 2 năm nghiên cứu và phát triển ý tưởng, hai chàng trai người Mexico – Adrián López Velarde và Marte Cázarez đã góp phần không nhỏ vào công cuộc “xanh hoá” nền thời trang khi cho ra đời chất liệu da thuần chay làm từ cây xương rồng. Bằng cách tán nhuyễn và phơi lá xương rồng dưới ánh mặt trời, sau đó trộn hỗn hợp với một số hoá chất không độc hại, chất liệu da vừa có khả năng phân huỷ sinh học lại đồng thời đem đến cảm giác “chân thật” không khác gì da động vật đã được tạo ra. 
 Với hạn sử dụng lên đến 10 năm và chi phí sản xuất tương đương những món đồ da thông thường, đây sẽ là giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu bền vững của các nhà mốt thời trang.
 
2.6. Chất liệu da thuần chay làm bằng vỏ và lõi táo, dứa, nút chai.
Thay vì sử dụng da bò hoặc da cừu đã quay xử lý, phần lớn da thuần chay (chất liệu tổng hợp) được làm từ PVC và PU. Bên cạnh đó, cũng có một loạt các sản phẩm được làm từ các chất liệu tự nhiên thân thiện hơn với môi trường như nút chai, vỏ cây, lá dứa hoặc vỏ táo. Các nhà sản xuất của da thay thế chất lượng cao cho biết chúng giống hệt như da thật, dù da thuần chay không cải thiện chất lượng theo thời gian như da động vật.

 
Nhận thấy sự đánh đổi thương tâm khi ngày càng nhiều động vật bị giết để phục vụ cho sự xa hoa, phù phiếm của nền công nghiệp thời trang, Beyond Leather đã đi tìm nguồn cảm hứng từ chính những nguyên liệu thừa trong quá trình sản xuất nước ép và rượu táo tại Đan Mạch. Cụ thể, lõi và vỏ táo vốn là phần thừa được bỏ đi nay được tận dụng triệt để bằng cách nghiền và trộn lẫn cùng cao su tự nhiên. Sau đó, chúng được đắp lên nền dệt làm từ bông hoặc sợi gỗ để tạo ra thành phẩm mang cấu trúc 3 lớp có thể tháo rời linh hoạt. Không những thải ra ít hơn 85% lượng khí CO2 so với quy trình sản xuất da truyền thống, chất liệu này còn giải quyết vấn đề lãng phí thức ăn một cách vô cùng hiệu quả.
Theo công ty nghiên cứu bán lẻ WGSN Instock, các sản phẩm làm từ da thuần chay đang được ưa chuộng, đặc biệt là ở Hoa Kỳ. Sản phẩm da thuần chay có sẵn trực tuyến đã tăng hơn gấp đôi ở Vương quốc Anh và tăng 54% ở Mỹ trong nửa đầu năm 2019 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu da thuần chay đặc biệt mạnh mẽ trong ngành giày dép, khi nhiều người Mỹ muốn đôi chân của họ được bảo vệ trong những đôi giày thể thao không sản xuất từ động vật. Ngành công nghiệp ô tô cũng đã chuyển từ da thật sang giả da. Ngành giày dép và sản xuất ô tô dự kiến ​​sẽ thúc đẩy nhu cầu toàn cầu về da tổng hợp với mức tăng trưởng 7%/năm, đạt 45 tỷ USD vào năm 2025, theo Grand View Research [7].

 
2.7. Chất liệu vải da, làm từ giấm ăn
Chất liệu vải da, làm từ giấm ăn, được gọi là Scoby. Chúng được nuôi trong nước trà, đường. Scoby trông giống cao su đục. Sau 3 tuần được nuôi, Scoby phát triển thành mảng to, dày hơn 1,5cm. Sau đó, mảng da này sẽ được mang đi phơi 3 - 8 ngày, tuỳ điều kiện nắng, nhiệt độ. Sau đó, chúng sẽ trở thành mảnh da, như da thông thường, có thể may trang phục. Chất liệu này có độ bền như da. Việc cắt may cũng không quá khó khăn. Sau khi phơi xong, chất liệu này sẽ được phủ một lớp sáp ong để bảo quản. Việc giặt giũ như chất liệu vải thông thường. Sau quá trình phơi, mùi của chất liệu gần như biến mất. Chất liệu da làm từ giấm có thể sử dụng may quần áo. Trang phục sử dụng chất liệu làm từ giấm không mang mùi hôi của giấm vì đã được ngâm trong trà xanh xử lý mùi [8].
 
 NTK Trần Hùng và Hương Ly nghiên cứu, thực hiện bộ đầm dạ hội trình diễn trong đêm bán kết Hoa Hậu Hoàn Vũ Việt Nam với  khoảng thời gian hơn 6 tháng. Bộ Trang phục lấy cảm hứng từ hình ảnh loài chim đại bàng - biểu tượng của sức mạnh, lòng can đảm và tầm nhìn xa. Trần Hùng đã tính toán kỹ lưỡng đến từng chi tiết: Phom dáng thông qua những đường cắt cúp gọn gàng đã tôn lên vóc dáng gợi cảm của Hương Ly. Để thực hiện trang phục, nhà thiết kế ứng dụng chất liệu chính là vải da được làm từ giấm ăn (Scoby) sử dụng hình thức cộng sinh của vi khuẩn và nấm men. Đây là con giống để thực hiện quá trình lên men và sản xuất Kombucha.
 
3. KẾT LUẬN
Trong thời đại mà tốc độ phát triển công nghệ trong mọi lĩnh vực diễn ra từng giây thì cuộc chiến công nghệ cũng đã trở thành xu thế với lĩnh vực thời trang, Vải vóc được cải tiến giúp cho trang phục ngày càng vừa vặn với phom dáng nhưng lại dễ chịu thoải mái vận động đang được sáng tạo và cải tiến liên tục.

Chất liệu luôn là một trong những yếu tố được quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực thời trang, là nền tảng cơ bản nhất để các nhà thiết kế có thể thỏa sức thi triển những ý tưởng sáng tạo của mình. Khi xu hướng thời trang xoay vòng như một chu kỳ tuần hoàn, hoạ tiết và màu sắc không còn là yếu tố cạnh tranh tuyệt đối và những ý tưởng hay phong cách chủ đạo có phần trùng lặp thì chất liệu đột phá chính là yếu tố giúp các thương hiệu tạo nên điểm nhấn khác biệt so với những tên tuổi khác.

Đã có khá nhiều hãng thời trang đầu tư đưa công nghệ mới vào việc tạo ra những loại vải khác biệt, chẳng hạn vải không nhăn, vải thấm và hút nước nhanh, vải điều hoà làm mát cơ thể hoặc lông thú nhân tạo giống lông thú thật đến 99%… Mỗi năm, cuộc đua chất liệu ngày càng tăng nhiệt và chưa bao giờ có chỗ cho kẻ chậm chân! Và dĩ nhiên, thị trường thời trang cao cấp tại Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vòng xoáy ấy.

Một trong những "điểm nghẽn" làm chậm tiến trình phát triển của ngành Dệt may nước ta là chưa chủ động trong sản xuất nguyên phụ liệu ngành may, sản xuất NPL của nước ta chưa đáp ứng được các thị trường sản xuất trong nước và xuất khẩu. Hơn bao giờ hết, đầu tư về chất xám để nghiên cứu phát triển sản xuất và sử dụng nguyên phụ liệu – đặc biệt là nguồn nguyên phụ liệu xanh thân thiện với môi trường sống đang là một yêu cầu khách quan, cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược tạo nền tảng để sớm đưa ngành Dệt may của nước ta cơ bản không còn phụ thuộc vào việc nhập NPL và gia công sản phẩm Dệt may trong thời gian tới.

        Việc nhà Thiết kế sử dụng những chất liệu có nguồn gốc tự nhiên, hay những chất liệu có nguồn gốc lâu đời như  lụa của Việt Nam cũng là một đóng góp cho sự phát triển của ngành may mặc nước nhà. Bên cạnh việc sử dụng chúng ta cần chú trọng  nghiên cứu để sản xuất, sử dụng nguyên phụ liệu mới – nguyên phụ liệu xanh là điều kiện cần thiết để phát triển ngành theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Đây là yếu tố tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế, là cơ sở phát triển cho nhiều ngành, nghề và sản phẩm mới, tạo điều kiện khai thác tối ưu các nguồn lực phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, vị thế cạnh tranh và tham gia toàn cầu hóa Trong đó, điểm cốt lõi để kiến tạo nên một nền CN dệt may  “xanh” là sử dụng chất liệu bền vững thân thiện với môi trường. Đó là những chất liệu không độc hại, có thể tái chế sau khi sử dụng, vòng đời sử dụng lâu dài, tiết kiệm tài nguyên, không ảnh hưởng đến môi trường, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường trong suốt quá trình sáng tác, sản xuất và sử dụng, trong khi vẫn tạo nên sự thoải mái và tiện nghi nhất định cho người sử dụng.

        Chính vì thế, việc sử dụng chất liệu xanh đang trở nên vô cùng cần thiết và cũng là mục tiêu hướng tới của ngành công nghiệp sản xuất và sử dụng chất liệu mới – những chất liệu thân thiện với môi trường là nhiệm vụ vô cùng quan trọng đối với mỗi cá nhân, môi trường giáo dục nói chung và môi trường đào tạo các lĩnh vực trong ngành may mặc và thiết kế thời trang nói riêng. 
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. PGS.TS. Hoàng Thị Lĩnh. Xử lý hoàn tất sản phẩm dệt - may. Nhà xuất bản KH&KT. Hà Nội, 2013.
[2]. https://diendandoanhnghiep.vn/forbes-under-30-asia-2022-nha-thiet-ke-che-tao-vai-tu-vo-hai-san-va-ba-ca-phe-224192.html
[3]. https://guu.vn/diem-tin/chat-lieu-ben-vung-va-tuong-lai-xanh-hoa-day-hua-hen-cua-lang-mot-617b9296808704596b18cb3d.html
[4]. http://dec.edu.vn/336/Vai-Bamboo-(Vai-soi-tre)-%E2%80%93-Tim-hieu-ve-vai-bamboo-DEC-TEAM
[5]. https://scp.gov.vn/tin-tuc/t12802/che-tao-vai-tu-vo-hai-san-tu-co-gai-goc-viet.html
[6]. https://idesign.vn/art-and-ads/tomtex-san-pham-da-lam-tu-vo-hai-san-va-ba-ca-phe-cua-uyen-tran-451246.html
[7]. https://cafebiz.vn/da-thuan-chay-la-gi-va-lieu-chung-ta-co-nen-mac-trang-phuc-lam-tu-chat-lieu-nay-2019091409084175.chn
[8]. https://www.phunuonline.com.vn/bi-an-cua-chiec-vay-lam-tu-giam-ma-huong-ly-mac-tai-ban-ket-hoa-hau-hoan-vu-viet-nam-2022-
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 92 Tổng truy cập: 18.722.397