Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

CÔNG CỤ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THI KẾT THÚC HỌC PHẦN TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI – THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Ngày đăng: 09:04 - 20/04/2021 Lượt xem: 18.363
 
Nguyễn Văn Trung
Trung tâm Đảm bảo chất lượng
Tóm tắt
Đánh giá kết quả học tập có nhiều ý nghĩa với người dạy, người học và các nhà quản lý. Khi kết quả học tập được đánh giá một cách chính xác, khoa học, chất lượng đào tạo được cải thiện. Để xác định được việc người học có đạt được chuẩn đầu ra như mong đợi, mỗi học phần phải đảm bảo việc đo được năng lực của người học ở các cấp độ khác nhau. Trong bài viết này, tác giả trình bày một số vấn đề lý thuyết về việc thiết kế công cụ kiểm tra - đánh giá kết quả học tập và biện pháp rà soát, làm cơ sở điều chỉnh công cụ kiểm tra – đánh giá kết quả học tập.
Từ khóa: Công cụ, Kiểm tra, đánh giá, kết quả học tập, chuẩn đầu ra
1. Các công cụ kiểm tra đánh giá khi sử dụng
Xu hướng KT-ĐG hiện nay không chỉ kiểm tra kiến thức đơn thuần mà yêu cầu người học phát triển những năng lực khác như diễn thuyết, tự khám phá tri thức… Việc sử dụng linh hoạt các công cụ kiểm tra hiệu quả sẽ giúp cho việc xác định người học đạt được gần với mục tiêu đào tạo. Các công cụ kiểm tra đánh giá thường dùng:
Loại bài
kiểm tra
Những mục tiêu có khả năng đánh giá được Một số ưu điểm
có thể có
Một số nhược điểm
có thể có
Kiểm tra viết tại lớp - Những hiểu biết và áp
dụng thông tin
- Khả năng ngôn ngữ,
trình bày
Dễ ra đề - Cho điểm không tin cậy
- Chú trọng về khả năng viết
Kiểm tra viết được chuẩn bị ở nhà - Năng lực thu nhập thông tin
- Sự suy nghĩ
- Sinh viên có thể
thể hiện năng lực
cao hơn
- Gần cuộc sống
hơn
- Không bao hàm được
nhiều nội dung trong
chương trình học
- Khó kiểm soát tiêu cực
Kiểm tra tại lớp cho mở sách - Khả năng tra cứu của
sinh viên
- Sự ghi nhớ cái gì?
ở đâu?
- Sự chuẩn bị có suy nghĩ
- Cách suy nghĩ sâu sắc
- Ít mất thời gian
để ghi nhớ
- Các câu trả lời
mang tính tổng
hợp bao quát hơn
- Chưa có phương pháp
chấm điểm chính xác, tin cậy
- Phụ thuộc nhiều vào tốc độ hoạt động của cá nhân
Kiểm tra
miệng trên
lớp
Tiếp thu và trình bày diễn giải bằng lời Gắn với tình huống học nghề, nghiệp vụ thì tốt Gây nên sự lo lắng trong suốt quá trình trên lớp
Kiểm tra thực hành tại phòng thực hành - Kỹ năng kỹ xảo thực
hành
- Trực tiếp
- Tương đối chính
xác
- Tuỳ thuộc vào điều kiện thực hành
Kiểm tra qua thảo luận nhóm - Sự tác động của từng cá nhân trong nhóm
- Cách lập luận nằm trong suy nghĩ của cá nhân
- Linh hoạt
- Có ích để khẳng
định những đánh
giá khác
- Rất chủ quan
- Hiệu ứng “hào quang”
- Giáo viên cần có kỹ
năng quan sát
Đồ án, tiểu
luận môn học, khoá luận, luận văn …
- Năng lực tìm hiểu thông tin, lập luận
- Năng lực hệ thống hoá,
vận dụng kiến thức
- Kỹ năng trình bày
- Sự sáng tạo
Cho điểm một
cách tổng hợp
- Việc cho điểm hoàn
toàn chủ quan, thiếu ổn
định
- Cần nhiều thời gian
Nguồn bài giảng “Đo lường và đánh giá trong giáo dục” - Lê Đức Ngọc, 2003
2. Thực trạng đánh giá kết quả học tập
Thực trạng đánh giá kết quả học tập được triển khai theo quy trình:
Khoa/trung tâm giảng dạy, cụ thể là tổ chuyên môn tổ chức thực hiện xây dựng nội dung đánh giá, đề thi kiểm tra và hình thức kiểm tra đánh giá theo khung đánh giá thang Blooms 6 cấp độ lý thuyết và Harrow 5 cấp độ đánh giá thực hành được quy định.
Thực trạng phân tích kết quả học tập sinh viên của một số học phần giảng dạy theo các góc nhìn về kết quả thi, điểm kiểm tra thường xuyên, điểm tổng kết học phần, bảng trọng số và cấu trúc đề thi, nội dung đề thi cho thấy những điểm bất thường trong các khâu đánh giá, giai đoạn đánh giá, hình thức đánh giá,…các kết quả còn chỉ ra việc thiết kế nội dung đánh giá, hình thức đánh giá với kết quả học tập của người học còn hạn chế cần phải khắc phục.
Tiến phân tích các đề thi cho thấy hình thức thi kết thúc học phần chủ yếu là thi viết (tự luận) chiếm 75%. Những hình thức thi khác (Thực hành, TNKQ, TNKQ + TL, TNKQ + TH, TNKQ + TL + Vấn đáp) chiếm tỉ trọng nhỏ hơn (25%). Việc sử dụng đề thi tự luận có nhiều ưu thế thuận lợi cho mục đích đánh giá các kỹ năng ở bậc cao của SV như tổng hợp, phân tích và sáng tạo…Tuy nhiên, đề thi khó bao phủ toàn bộ chương trình, SV dễ dùng tài liệu để quay cóp. Theo quy định trên, đề thi tự luận phải có đáp án và hướng dẫn chấm. Nhưng hầu hết học phần thi tự luận chỉ có nội dung đáp án chi tiết và kèm biểu điểm, chưa đưa ra hướng dẫn chấm như trình bày, lập luận logic, điểm thưởng những SV có bài làm sáng tạo.
Từ thực trạng trên có thể thấy để nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là khâu đánh giá kết quả học tập người học cần áp dụng đa dạng các hình thức đánh giá và thiết kế các nội dung đánh giá phù hợp với đặc thù học phần và năng lực sinh viên. Vì vậy, cần có những giải pháp cải tiến kịp thời khắc phục những thực trạng hiện nay.
3. Giải pháp
            Trên cơ sở phân tích thực trạng, tác giả đè xuất một số giải pháp dưới đây để triển khai, cải tiến các hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả học tập như sau:
3.1. Sử dụng hoặc kết hợp các hình thức kiểm tra – đánh giá phù hợp
Đánh giá thường xuyên, định kỳ có thể vẫn sử dụng hình thức kiểm tra viết nhưng không quy định cứng là cả lớp ngồi làm bài kiểm tra tại lớp, mà GV có thể cho SV thực hiện một yêu cầu/bài tập/đề kiểm tra trong 5 phút, 10 phút. Hoặc cũng có thể giao nhiệm vụ cho SV về nhà tìm hiểu thực tế, tài liệu để viết nhận xét, bày tỏ quan điểm về một việc cụ thể liên quan tới môn học. Tương tự, việc đánh giá qua thuyết trình, thực hành, thí nghiệm có thể diễn ra ngay trong tiết học, trong quá trình thực hiện bài thực hành, thí nghiệm cụ thể.
3.2. Một số đề xuất để hạn chế các nhược điểm khi sử dụng đề thi tự luận
- Thiết kế cấu trúc đề thi nhằm đánh giá năng lực cao như vận dụng, phân tích/tổng hợp, đánh giá và sáng tạo của SV. Theo đó, GV có thể áp dụng đề thi mở cho phép SV sử dụng tài liệu;
- Sử dụng phương pháp đánh giá định tính (tổng hợp – Holistic rubric) kết hợp với đáp án (thông thường) để chấm. Người chấm đánh giá chất lượng câu trả lời của SV theo các tiêu chí trong hướng dẫn đánh giá, kết hợp với đáp án chi tiết. Các tiêu chí được xác lập căn cứ vào yêu cầu của câu hỏi và nội dung, yêu cầu của chương trình đã được học. Các tiêu chí đánh giá cần được chia thành một số mức chất lượng trả lời (ví dụ: 5 mức), nếu có thể thì xác định yêu cầu của mỗi mức, để người chấm dễ ước lượng.
Ví dụ: bảng hướng dẫn đánh giá định tính (tổng hợp – Holistic rubric) có thể sử dụng cho một số hình thức thi tự luận, vấn đáp, trắc nghiệm khách quan...
Mức chất lượng Thang điểm Mô tả mức chất lượng Điểm
Xuất sắc 9 – 10 - Hình thức đẹp, rõ, không lỗi chính tả.
- Nội dung đáp ứng tốt yêu cầu, có mở rộng, có trích nguồn.
- Trình bày rõ, tự tin, thuyết phục, giao lưu người nghe.
- Trả lời đúng tất cả các câu hỏi.
- Có 100% thành viên tham gia thực hiện/trình bày.
 
Tốt 7 – 8 - Hình thức đẹp, rõ, còn lỗi chính tả.
- Nội dung đáp ứng tốt yêu cầu, có mở rộng.
- Trình bày rõ, tự tin, giao lưu người nghe.
- Trả lời đúng trên 2/3 câu hỏi.
- Có khoảng 80% thành viên tham gia thực hiện/trình bày.
 
Đạt yêu cầu 5 - 6 - Hình thức rõ, còn lỗi chính tả.
- Nội dung đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.
- Trình bày không rõ lời, thiếu tự tin, ít giao lưu người nghe.
- Trả lời đúng trên 1/2 câu hỏi.
- Có khoảng 60% thành viên tham gia thực hiện/trình bày.
 
Chưa đạt 0 – 4 - Hình thức đơn điệu, chữ nhỏ, nhiều lỗi chính tả.
- Nội dung không đáp ứng yêu cầu tối thiểu.
- Nói nhỏ, không tự tin, không giao lưu người nghe.
- Trả lời đúng dưới 1/2 câu hỏi.
- Có < 40% thành viên tham gia thực hiện/trình bày.
 
 
3.3. Hoạt động quản lý bộ môn
- Mỗi học phần cần có bảng ma trận quy hoạch chương trình đánh giá kết quả học tập của SV để chứng minh đo lường được chuẩn đầu ra của học phần. Khi triển khai thiết kế hoặc rà soát đề kiểm tra/thi cần bám sát vào 08 câu hỏi sau:
  + Câu hỏi 1. Chuẩn đầu ra cần được đánh giá là gì?
  + Câu hỏi 2. Có những năng lực/kỹ năng gì thuộc chuẩn đầu ra?
  + Câu hỏi 3. Liệu phương pháp đánh giá có phù hợp với yêu cầu của chuẩn đầu ra? 
  + Câu hỏi 4. Liệu phương pháp đánh giá có hiệu quả về mặt thời gian đối với GV và SV?
  + Câu hỏi 5. Còn có các phương pháp đánh giá nào khác? Ưu và nhược điểm của chúng?
  + Câu hỏi 6. Liệu yêu cầu của bài kiểm tra/thi có tương thích với các chuẩn đầu ra?
  + Câu hỏi 7. Liệu phương pháp và các tiêu chí đánh giá/chấm điểm có phù hợp?
  + Câu hỏi 8. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm xác định kết quả đánh giá/chấm điểm?
- Tổ chức rà soát khâu thiết kế đề thi dựa vào kết quả thi kết thúc học phần và cấu trúc đề thi, đảm bảo câu hỏi thi phải tương đương với mức độ nhận thức theo thang Blooms hoặc Harrow.
4. Kết luận
       Đánh giá sinh viên là một trong những thành tố quan trọng nhất của đào tạo đại học. Các kết quả đánh giá đó ảnh hưởng sâu sắc đến sự nghiệp tương lai của sinh viên. Đánh giá sinh viên còn cung cấp những thông tin có giá trị cho cơ sở giáo dục về hiệu quả của công tác giảng dạy và hỗ trợ người học. Do đó, việc sử dụng các công cụ đo lường kiểm tra - đánh giá cần được thiết kế và sử dụng phù hợp với từng học phần, từng chương trình đào tạo hướng tới đạt được những kiến thức và kỹ năng phù hợp với trình độ dự kiến.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Tài liệu tập huấn trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội, PGS.TS. Nguyễn Phương Nga và TS. Tô Thị Thu Hương, 17/9/2017.
  2. Sử dụng hiệu quả các dạng thức câu hỏi thi – kiểm tra, TS. Phạm Xuân Thanh, 2010
  3. Đo lường và đánh giá trong giáo dục” - Lê Đức Ngọc, 2003
  4. Phụ lục phân tích kết quả học tập học phần Công nghệ sản xuất may công nghiệp 3 và nhân trắc học may mặc, Trung tâm Đảm bảo chất lượng, 2020
 

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 164 Tổng truy cập: 31.681.709