Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

Hoàn thiện hệ thống kiểm tra, đánh giá kết thúc học phần phù hợp với yêu cầu kiểm định chất lượng tại trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội

Ngày đăng: 02:11 - 07/03/2022 Lượt xem: 461
Với thực tiễn yêu cầu đổi mới giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, Bộ GD-ĐT đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam (Thủ tướng Chính phủ, 2016), trong đó quy định các yêu cầu của chuẩn đầu ra (CĐR) chương trình đào tạo bậc đại học. Các chuẩn này được đưa vào mục tiêu đào tạo/CĐR của chương trình và cụ thể hóa nó ở từng học phần (HP) trong chương trình đào tạo. Để đánh giá được các chuẩn kiến thức, kĩ năng theo quy định đầu ra đã công bố một chương trình, trường đại học cần phải cải tiến trong công tác quản lí đào tạo, nội dung và phương pháp giảng dạy, đặc biệt đổi mới công tác đánh giá người học (NH) sao cho xác định được mức độ đạt CĐR khi tốt nghiệp chương trình.

Triết lý giáo dục giáo dục của Trường được xác định trong Quyết định số 841/QĐ-ĐHCNDMHN ngày 08/04/2021: “Chất lượng - Năng động - Đáp ứng nhu cầu xã hội. Vì thế hệ sinh viên chuyên nghiệp, sáng tạo và hội nhập”. Nội dung Triết lý giáo dục được cụ thể hóa ở CĐR các CTĐT của Nhà trường. 

Những yêu cầu kiểm tra – đánh giá người học trong bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục (ban hành theo Thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017).
Bảng 1. Tiêu chuẩn đánh giá người học theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục

Theo Nguyễn Thành Nhân (2016), về mặt bản chất, mục tiêu HP phản ánh một cách khái quát, có chức năng định hướng về quá trình và KQHT dự kiến mà NH có khả năng đạt được sau khi kết thúc HP. Khả năng này nằm trong phạm vi nội dung của HP mà thông qua sự hướng dẫn, giảng dạy của GV cùng với nỗ lực tích cực trong học tập của NH có thể đạt được ở những mức độ nhất định so với mục tiêu HP. Trong khi đó, CĐR của HP xác định “chuẩn/ngưỡng” KQHT tối thiểu mà NH phải đạt được thì mới được công nhận hoàn thành HP. Thông thường, nội dung HP bao quát 3 thành phần chủ yếu sau:

(1) Nội dung cơ bản, cốt lõi của HP: Đây là hệ thống các đơn vị kiến thức, kỹ năng, thái độ, giá trị… quan trọng thiết yếu mà bắt buộc NH phải chiếm lĩnh. Thành phần nội dung này của HP phải được triển khai giảng dạy - học tập bắt buộc trên lớp và góp phần trực tiếp vào việc giúp NH đạt CĐR của HP. Nếu NH đạt được KQHT thực tế theo yêu cầu của CĐR của HP ứng với thành phần thứ nhất này của nội dung HP thì mới đạt kết quả mức trung bình. Chỉ khi nào NH đạt được CĐR học phần tương ứng với thành phần nội dung cốt lõi, cơ bản của HP thì mới đạt được mức trung bình về KQHT.

(2) Nội dung mở rộng của HP: Đây là các đơn vị kiến thức, kỹ năng có liên quan gần và trực tiếp với nội dung cốt lõi, cơ bản của HP nhưng được GV giới thiệu, hướng dẫn để NH tự nghiên cứu, tìm hiểu, khảo sát thực tế… ngoài giờ lên lớp và sẽ được GV hướng dẫn, giải đáp thắc (nếu được người học đề nghị) trong quá trình NH tự tìm hiểu. Mặc dù nội dung này GV không trực tiếp giảng dạy trên lớp nhưng vẫn được cả GV và NH quan tâm, và thành phần nội dung này phải thể hiện trong đề cương HP với tính chất là nội dung tự học bắt buộc. Nội dung mở rộng của HP phải được đưa vào nội dung KT-ĐG với tỷ lệ không quá 30% để đảm bảo rằng nếu NH nào đạt được thêm KQHT nội dung mở rộng này của HP sẽ đạt kết quả từ mức trên trung bình đến mức khá, giỏi.

(3) Nội dung nâng cao của HP: Thuộc thành phần nội dung nâng cao của HP là các quan điểm, lý thuyết, trường phái, mô hình, phương pháp nghiên cứu mới/hiện đại đang diễn ra, những vấn đề mới đang còn nhiều quan điểm, tranh cãi,… có liên quan đến HP. Với nội dung này, GV giới thiệu, khuyến khích NH tìm hiểu thêm mà không hoàn toàn bắt buộc 100% NH đáp ứng. Tuy nhiên, trong quá trình học tập cũng như KT-ĐG học phần, nếu NH thể hiện được kết quả học tập, tìm hiểu nội dung nâng cao này của môn học thì sẽ được điểm cộng/điểm thưởng với tỷ lệ điểm không quá 20% để có cơ hội được ghi nhận thành tích học tập cao hơn (mức giỏi/ xuất sắc).

Với cách tiếp cận như thế, thành phần (1) của nội dung HP sẽ chuyển tải trực tiếp CĐR học phần. Như vậy, nếu NH mới đạt yêu cầu CĐR học phần thì tương đương với KQHT trung bình - ngưỡng tối thiểu đảm bảo chất lượng đào tạo cấp độ HP. Còn trường hợp NH đạt trên ngưỡng CĐR học phần ứng với các mức độ KQHT thực tế cao hơn (như khá, giỏi, xuất sắc) thì vẫn nằm trong định hướng của mục tiêu học tập dự kiến và trong phạm vi bao quát của nội dung HP, trong thành phần (2) và (3).
 
Mô tả mối liên hệ mục tiêu, nội dung HP với CĐR và nội dung KT-ĐG kết quả học tập học phần

Để thực hiện tốt việc đảm bảo chất lượng hoạt động kiểm tra đánh giá cần thực hiện những nhiệm vụ sau:

Cần tiếp tục phổ biến và tập huấn các văn bản quy phạm, quy chế, hình thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học. Duy trì và cải tiến sổ tay sinh viên được phát vào đầu khoá học trong tuần lễ sinh hoạt công dân, trong đó thể hiện đầy đủ mục tiêu, nội dung, hình thức, các quy định, quy chế thi kiểm tra, văn bản hướng dẫn về hoạt động KT-ĐG để người học hiểu rõ và thực hiện
Cần đánh giá sát đúng trình độ NH với thái độ khách quan, công bằng, động viên tư duy sáng tạo, hướng dẫn NH biết tự đánh giá kết quả học tập, tạo điều kiện cho NH phân biệt được đúng, sai và tìm ra nguyên nhân để từ đó tác động trở lại đến phương pháp học tập, rèn luyện kĩ năng tư duy. Tuỳ theo mục đích đánh giá mà GV lựa chọn hình thức KT - ĐG khác nhau.
Tập huấn cho đội ngũ giảng viên, chuyên viên Đảm bảo chất lượng nghiệp vụ thiết kế KT-ĐG (kỹ năng xây dựng ma trận CĐR của học phần – Nội dung học phần - Nội dung kiểm tra, kỹ năng thiết kế các loại công cụ kiểm tra, kỹ năng xác lập các tiêu chí KT-ĐG, kỹ năng sử dụng kết hợp các loại công cụ kiểm tra trong quá trình tổ chức dạy học và KT-ĐG kết quả học tập học phần…).
Các khoa, bộ môn có nhiệm vụ thẩm định và thông qua phương án kiểm tra, đánh giá đề xuất của giảng viên phụ trách học phần. Đa dạng hóa các công cụ, hình thức tổ chức KT-ĐG tương thích với CĐR của học phần và đặc điểm, tính chất của nội dung học phần.

Xây dựng kế hoạch, chương trình kiểm tra thường xuyên các hoạt động giáo dục trong nhà trường nói chung và hoạt động KT - ĐG KQHT của NH nói riêng, tăng cường giám sát các kỳ thi.
KT-ĐG có mối liên hệ chặt chẽ với chuẩn đầu của chương trình đào tạo, phương pháp tiếp cận trong dạy - học và là yếu tố để nâng cao chất lượng. Để đảm bảo đánh giá giá được chính xác việc đạt được kết quả học tập mong đợi, trong quá trình thiết kế, vận hành chương trình, Trường cần chú trọng đến sự tương thích giữa phương thức dạy – học, KT – ĐG người học với chuẩn đầu ra, có các hoạt động định kỳ đánh giá/rà soát để cải tiến chất lượng của ba mảng này.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Thu Phương
Trung tâm Đảm bảo chất lượng

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 31 Tổng truy cập: 18.406.418