Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

GIẢI PHÁP CẢI TIẾN CÔNG TÁC KHẢO SÁT LẤY Ý KIẾN SINH VIÊN VỀ HOẠT ĐỘNG GIẢNG DẠY CỦA GIẢNG VIÊN TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 03:05 - 17/01/2022 Lượt xem: 775
Nguyễn Văn Trung – Trung tâm Đảm bảo chất lượng
 
Tóm tắt: Chất lượng đội ngũ giảng viên là một yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định chất lượng của một trường đại học. Vì vậy, công tác đánh giá chất lượng đội ngũ giảng viên luôn được nhà trường quan tâm. Khảo sát ý kiến của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên là một kênh đánh giá chất lượng của đội ngũ giảng viên trong tổng thể các , sự hài lòng của người học về chất lượng giảng dạy của giảng viên góp phần nâng cao chất lượng đào tạo tại trường đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội. Bài viết mô tả thực trạng khảo sát đang triển khai tại nhà trường và đề xuất một số giải pháp để cải tiến hoạt động này.
Từ khoá: Khảo sát, chất lượng, giảng dạy, giảng viên
 
1. Tổng quan
Chất lượng đào tạo của một cơ sở giáo dục không chỉ phụ thuộc vào chương trình đào tạo mà còn phụ thuộc vào chất lượng của đội ngũ giảng viên. Chất lượng của đội ngũ giảng viên bao gồm: trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy và đạo đức nghề nghiệp.
Giảng viên là nguồn “tài nguyên học tập” quan trọng nhất đối với phần lớn người học. Giảng viên cần có đủ kiến thức và hiểu biết về học phần do mình đảm trách, đồng thời có kinh nghiệm và những kỹ năng cần thiết để truyền đạt kiến thức và hiểu biết của mình một cách hiệu quả cho người học trong những điều kiện khác nhau. Giảng viên cung cần tiếp cận thông tin phản hồi về hoạt động giảng dạy của bản thân.
Công tác khảo sát ý kiến của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên được nhà trường triển khai trên tinh thần công văn số 1276/BGDĐT-NG ngày 20/02/2008, Công văn số 2754/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/05/2010 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và Công văn số 7324/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 08/10/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Để tổ chức, điều hành và triển khai công tác khảo sát ý kiến của sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên, Nhà trường đã xây dựng Quy định khảo sát lấy ý kiến phản hồi các bên liên quan; giao trung tâm Đảm bảo chất lượng làm đầu mối xây dựng kế hoạch chi tiết và phối hợp với các đơn vị trong trường tiến hành thực hiện. Nhà trường đã phổ biến, quán triệt chủ trương, mục đích và yêu cầu của việc khảo sát đến toàn thể cán bộ và sinh viên trong toàn trường để phối hợp thực hiện có hiệu quả.

2. Đánh giá thực trạng triển khai công tác khảo sát lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên
2.1. Công tác tổ chức
Để công tác “Khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên” có hiệu quả, đạt mục đích, nhà trường đã xây dựng quy trình khảo sát gồm 10 bước cụ thể như sau: (Phụ lục 1 – Quy định tổ chức khảo sát lấy ý kiến phản hồi các biên liên quan)
Trung tâm Đảm bảo chất lượng đóng vai trò đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan trực tiếp tổ chức triển khai hoạt động khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên. Đồng thời, tiếp nhận các ý kiến phản hồi sau khảo sát của sinh viên và giảng viên, tổ chức hội nghị để rút kinh nghiệm, điều chỉnh phiếu khảo sát cho phù hợp với tình hình thực tế của Nhà trường, đề xuất cải tiến hình thức, nội dung khảo sát để đạt hiệu quả cao nhất.

2.2. Công cụ khảo sát
Phiếu “Khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên” gồm 18 câu hỏi đóng thuộc 4 nội dung: (1) Công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung, học liệu và phương pháp giảng dạy của giảng viên, (2) Trách nhiệm, sự nhiệt tình, khả năng khuyến khích sự sáng tạo của giảng viên đối với người học, (3) Kiểm tra đánh giá kết quả học tập, (4) Tác phong sư phạm của giảng viên
Các nội dung trong phiếu khảo sát được thiết kế trên tinh thần công văn số 1276/BGDĐT-NG ngày 20/02/2008, Công văn số 2754/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 20/05/2010 của Bộ GD-ĐT về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên và Công văn số 7324/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 08/10/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên đáp ứng các yêu cầu tiêu chí công văn hướng dẫn tự đánh giá cơ sở giáo dục 1668/BGDĐT-QLCL và công văn hướng dẫn tự đánh giá chương trình đào tạo 1669/BGDĐT-QLCL

2.3. Thời điểm khảo sát
Mỗi năm nhà trường tiến hành 2 đợt khảo sát vào cuối học kỳ I và II. Tiến hành khảo sát ngay sau khi giảng viên kết thúc giảng dạy học phần.

2.4. Phương thức đánh giá
- Cách tính điểm: Mỗi câu hỏi có 5 mức độ đánh giá từ mức độ “Rất không hài lòng” đến “Rất hài lòng” và được mã hóa theo thang điểm tương ứng là  1, 2, 3, 4, 5. Điểm của mỗi câu hỏi là điểm trung bình cộng Likert theo kết quả khảo sát ý kiến của sinh viên. Điểm của mỗi nội dung là điểm trung bình cộng của các câu hỏi thuộc nội dung đó.
- Cách đánh giá: Có 5 mức độ đánh giá tùy thuộc vào kết quả điểm trung bình của tất cả các câu hỏi khảo sát. Cụ thể:
Điểm Mức đánh giá nhận xét
1->1.8 Rất không hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, phải có giải pháp khắc phục ngay
1.81->2.6 Không hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, phải điều chỉnh để đáp ứng được yêu cầu
2.61->3.4 Không hài lòng, nhưng không ý kiến chất lượng hoạt động giảng dạy của giảng viên, cần khắc phục ngay các hạn chế và hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng tốt yêu cầu của tiêu chí
3.41->4.2 Hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, cần tiếp tục khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh
4.21->5 Rất hài lòng về hoạt động giảng dạy của giảng viên, cần tiếp tục duy trì và phổ biến điểm mạnh.

2.5. Kết quả khảo sát
Trong giai đoạn 5 năm từ 2016 – 2021, hoạt động giảng dạy của giảng viên được đánh giá trên toàn bộ các học phần, chương trình đào tạo. Nhìn chung, các nội dung khảo sát đạt mức tốt, điểm trung bình từ 3,65 đến 4,32; Giảng viên giảng dạy theo đúng kế hoạch và khối lượng theo thời khóa biểu;  Tài liệu giảng dạy biên soạn đầy đủ và được giảng viên giới thiệu cho sinh viên tham khảo; Nội dung của học phần được chuyển tải đầy đủ và chính xác theo đề cương học phần; Giảng viên nhiệt tình trong giảng dạy và sẵn sàng giúp đỡ sinh viên trong quá trình học tập.

Đa số giảng viên đã đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường tính tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Giảng viên đã sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh và nội dung học phần. Tuy nhiên, việc đổi mới phương pháp giảng dạy chưa đồng đều giữa các giảng viên và chưa thật sự lôi cuốn, tạo hứng thú cho người học. Mặc dù ở điểm đánh giá hằng năm được đánh giá trong nhóm điểm mức từ hài lòng trở lên, tuy nhiên quả khảo sát nội dung này chưa cao, dù giảng viên đã cải tiến, đổi mới phương pháp giảng dạy nhưng chưa đáp ứng hết nhu cầu người học.
Về kiểm tra – đánh giá, giảng viên sử dụng nhiều hình thức kiểm tra - đánh giá trong suốt quá trình học tập để đảm bảo công bằng, khách quan và chính xác năng lực học tập của sinh viên.

Bên cạnh việc trả lời các câu hỏi đóng trong phiếu khảo sát, sinh viên còn có những ý kiến góp ý khác về quá trình giảng dạy của giảng viên. Những ý kiến đóng góp của sinh viên khá phong phú nhưng chủ yếu tập trung vào các vấn đề sau: Giảng viên cần có phương pháp giảng dạy lôi cuốn, dễ hiểu hơn; sử dụng hiệu quả phương tiện dạy học và đảm bảo công bằng trong kiểm tra đánh giá sinh viên.

2.6. Sử dụng kết quả khảo sát
Kết quả khảo sát được gửi đến 3 đối tượng:
- Cá nhân Giảng viên được khảo sát: Mỗi giảng viên được cung cấp một bảng kết quả khảo sát, trong đó ghi rõ điểm trung bình của từng câu hỏi và từng nội dung khảo sát. Ngoài ra, giảng viên còn được cung cấp thêm 1 bảng tổng hợp những ý kiến đóng góp khác của sinh viên. Thông qua kết quả khảo sát và những ý kiến phản hồi từ phía sinh viên trong quá trình giảng dạy, giảng viên tiếp tục phát huy những mặt mạnh, đồng thời điều chỉnh, khắc phục những mặt tồn tại để đạt được mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Phụ trách đơn vị (Trưởng/ phó đơn vị, bộ môn): mỗi đơn vị đào tạo sẽ được cung cấp một bảng kết quả khảo sát cho biết điểm trung bình các nội dung khảo sát của giảng viên trong đơn vị được khảo sát. Thông qua kết quả khảo sát ý kiến của sinh viên về chất lượng giảng dạy của các giảng viên trong đơn vị, Trưởng đơn vị nắm bắt tình hình và có kế hoạch, biện pháp cụ thể, kịp thời để khắc phục những hạn chế, tồn tại nhằm đảm bảo và nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Ban Giám hiệu: Từ kết quả khảo sát đối với tất cả giảng viên, thống kê kết quả từng câu hỏi, từng nội dung, phân tích kết quả theo khối ngành, trình độ và thâm niên công tác, tổng hợp ý kiến góp ý của sinh viên. Qua đó rút ra những mặt mạnh, mặt hạn chế, tồn tại của giảng viên trong quá trình giảng dạy. Trên cơ sở kết quả phân tích, tham mưu cho lãnh đạo Nhà trường những giải pháp phù hợp và kịp thời để nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

2.7. Đánh giá hiệu quả của hoạt động khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên
- Đối với sinh viên: Đa số sinh viên đều đánh giá cao sự cần thiết của việc làm này. Sinh viên mong muốn được góp ý đối với tất cả các học phần, các giảng viên và rất mong sự góp ý của mình được quan tâm và có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng dạy và học.
- Đối với giảng viên: Thông qua ý kiến phản hồi của người học, giảng viên sẽ nhận được những thông tin một cách chính xác, trung thực của sinh viên – đối tượng trực tiếp thụ hưởng quá trình giảng dạy của giảng viên, từ đó có dịp soi lại mình để tiếp tục phát huy những điểm mạnh và khắc phục những điểm tồn tại, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Đối với công tác quản lý: Trưởng các đơn vị đào tạo có thêm cơ sở, thông tin về chất lượng và thực trạng công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên trong đơn vị; từ đó có kế hoạch, biện pháp cụ thể, kịp thời và thích hợp với từng đối tượng cụ thể để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác giảng dạy của giảng viên. Nhà trường có căn cứ để đổi mới, điều chỉnh những chủ trương, chính sách, biện pháp cụ thể và kịp thời để nâng cao chất lượng giảng dạy nói riêng, chất lượng đào tạo nói chung.
Công tác khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên được triển khai trong những năm qua đã có những đóng góp nhất định vào việc nâng cao chất lượng dạy và học, điều chỉnh hoạt động dạy và học theo hướng tích cực phù hợp với phương thức đào tạo tín chỉ hiện nay. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được chưa như mong muốn, vẫn còn một số hạn chế như sau:

+ Việc cải tiến phương thức khảo sát từ trực tiếp sang online đã có hiệu quả nhất định, tuy nhiên công tác tuyên truyền của khoa/ trung tâm tới sinh viên vế ý nghĩa hoạt động này để nâng cao hơn nữa ý thức sinh viên trong việc trả lời phiếu khảo sát vì vậy việc đôn đốc sinh viên trả lời kết quả trên phiếu khảo sát còn hạn chế.
+ Sử dụng kết quả khảo sát còn hạn chế. Chưa có biện pháp kiểm tra, phương thức đánh giá sự điều chỉnh hoạt động giảng dạy của giảng viên sau khảo sát.

3. Giải pháp triển khai hoạt động khảo sát ý kiến sinh viên trong những năm tiếp theo
- Về nội dung khảo sát:
Chất lượng của hoạt động dạy - học chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố sau: Nội dung và phương pháp giảng dạy của giảng viên; Việc thực hiện kế hoạch và khối lượng giảng dạy của giảng viên; Trách nhiệm, sự nhiệt tình, năng lực tư vấn, hướng dẫn và khuyến khích sinh viên học tập của giảng viên; Tác phong, tư cách và đạo đức của giảng viên; Phương thức kiểm tra – đánh giá; Cơ sở học liệu phục vụ quá trình hoạc tập (bao gồm giáo trình, tài liệu tham khảo, dụng cụ hóa chất, mẫu vật thí nghiệm, phòng học, phòng thực hành và các phương tiện hỗ trợ khác). Phiếu khảo sát gồm 10 hay 20 tiêu chí. Vấn đề không phải là số lượng các tiêu chí mà các tiêu chí/câu hỏi phải phản ánh các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động dạy - học của giảng viên và sinh viên với mục đích là không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng đào tạo của trường đại học. Căn cứ những yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng của hoạt động dạy - học đã nêu, các nội dung khảo sát cần được:
+ Thiết kế tập trung vào các nội dung theo hướng dẫn của công văn 2754 đáp ứng các yêu cầu kiểm định của công văn hướng dẫn 1668 và 1669.
+ Xây dựng các nội dung tìm hiểu nguyên nhân các tiêu chí được đánh giá ở mức hài lòng chưa cao và chưa khắc phục qua các kỳ khảo sát.
- Về công tác tổ chức khảo sát
+ Phối hợp với các đơn vị chủ trì ngành học và quản lý sinh viên, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến ý nghĩa của hoạt động khảo sát.
+ Trong những năm tiếp theo, khi modul khảo sát trực tuyến được tích hợp vào phần mềm đào tạo tín chỉ đang sử dụng, nhà trường sẽ triển khai công tác khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên một cách thường xuyên đối với tất cả các học phần, các giảng viên (kể cả giảng viên thỉnh giảng) bằng hình thức trực tuyến trên trang web của trường. Sinh viên trước khi vào xem kết quả điểm học phần bắt buộc phải trả lời phiếu khảo sát về hoạt động giảng dạy học phần đó.

3. Kết luận
Hoạt động “Khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên” nhằm mục đích góp phần thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp, trình độ chuyên môn và phương pháp giảng dạy của giảng viên. Đồng thời, thông qua hoạt động này người học có điều kiện và cơ hội để phản ánh tâm tư, nguyện vọng, chính kiến của bản thân về hoạt động giảng dạy của giảng viên, góp phần tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học. Thông qua hoạt động này người dạy và người học sẽ hiểu nhau hơn, mỗi bên sẽ tự điều chỉnh mình, từ đó góp phần nâng cao chất lượng dạy - học nói riêng và chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung.
Để đạt được mục đích trên và nâng cao hiệu quả của công tác khảo sát ý kiến sinh viên, về phía giảng viên cần có sự ủng hộ, sự tiếp thu kết quả khảo sát trên tinh thần cầu tiến và thái độ hợp tác, khách quan, trung thực của sinh viên trong quá trình tham gia khảo sát.

4. Tài liệu tham khảo
  1. Công văn hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên số 1276/BGDĐT-NG của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành ngày 20/02/2008
  2. Công văn hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên số 2754/BGDĐT-NG của Bộ giáo dục và đào tạo ban hành ngày 20/05/2010
  3. Công văn số 7324/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 08/10/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên
  4. Công văn số 1668/QLCL-KĐCLGD ngày 31/12/2019 về hướng dẫn tự đánh giá cơ sở giáo dục
  5. Công văn số 1669/QLCL-KĐCLGD ngày 31/12/2019 về hướng dẫn tự đánh giá chương trình đào tạo
  6. Mẫu phiếu khảo sát lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên giai đoạn 2016 - 2021
  7. Báo cáo khảo sát lấy ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên giai đoạn 2016 – 2021
  8. Báo cáo tự đánh giá trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội giai đoạn 2016 - 2021
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 229 Tổng truy cập: 33.347.069