Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

Sử dụng cấu trúc IMRAD vào hoạt động đánh giá sản phẩm nghiên cứu khoa học của sinh viên

Ngày đăng: 08:52 - 28/02/2024 Lượt xem: 48

Nghiên cứu khoa học là một trong ba nhiệm vụ chính của các cơ sở giáo dục đại học. Nó không chỉ quan trọng đối với sự phát triển của cơ sở giáo dục mà còn cho sự phát triển văn hoá, kinh tế, xã hội và môi trường xã hội. Các kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên cần được xác lập, theo dõi và đối sánh để cải thiện.

Hiện nay, trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội đang đào tạo đa ngành, đa nghề với định hướng ngày càng mở rộng thêm các ngành đào tạo hơn nữa. Song song với việc phát triển đào tạo thì việc đánh giá các sản phẩm sau quá trình đào tạo càng trở lên cấp thiết hơn. Việc đánh giá những sản phẩm đào tạo là cần thiết sau một quá trình người học tham gia việc học tập và nghiên cứu. Mỗi sinh viên của mỗi ngành đào tạo đại học trong quá trình học nghiên cứu, tiếp cận cách thức nghiên cứu khoa học thực thụ, trước khi ra trường đều cần phải/nên có một sản phẩm khoa học của mình. Sản phẩm này ngoài việc được cơ sở đào tạo đánh giá cũng nên được chuyển tải thành các bài báo khoa học giáo dục, đăng trên các tạp chí khoa học giáo dục tại Việt Nam.

Trong khi đó, hiện tại mỗi ngành nghề có một đặc thù chuyên môn riêng, mỗi sản phẩm khoa học của các ngành nghề cũng được trình bày theo cấu trúc riêng. Theo quan sát của tôi hiện tại trường vẫn chưa có một định dạng cấu trúc chung thống nhất cho cán sản phẩm nghiên cứu khoa học sinh viên khi chuyển tải thành các bài báo về lĩnh vực khoa học giáo dục để đăng lên các tạp chí khoa học giáo dục tại Việt Nam. Việc một báo cáo hay một bài báo khoa học không có cấu trúc tốt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của nghiên cứu nói chung. Do đó, qua bài viết này tôi xin giới thiệu về cấu trúc IMRAD (Introduction - Methods - Results And Discussion, hay Mở đầu/Đặt vấn đề - Phương pháp nghiên cứu - Kết quả nghiên cứu và Bàn luận).

Sơ đồ biểu diễn cấu trúc IMRAD của các báo cáo nghiên cứu (Wu, 2011)

Trên thế giới, phần lớn các bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học ngày nay đều trình bày theo cấu trúc IMRAD (Mack, 2014). Có thể hiểu IMRAD như là cấu trúc trình bày của một bài báo nhằm phản ánh các thành phần chính (cốt lõi) cần có của một công trình khoa học. IMRAD giúp bài báo khoa học có được trật tự và chứa đựng đủ các khía cạnh cần có trong một công trình khoa học.

Cấu trúc này có một điểm nhấn khác biệt hơn các cấu trúc khác là phần “Bàn luận”, khi độc giả quan tâm tới vấn đề nghiên cứu và muốn tìm hiểu sâu về nó, họ đọc phần bàn luận trước để xem tác giả của bài viết này có nói tới hạn chế (điểm còn có thể tiếp tục mở rộng nghiên cứu thêm của bài viết không), mà chưa cần phải đọc hết toàn văn công trình nghiên cứu trước đó của tác giả. Do vậy việc sử dụng cấu trúc IMRAD trong trình bày nội dung của các bài báo khoa học giúp tiết kiệm thời gian khi khảo sát một lượng lớn các bài báo phục vụ cho công cuộc nghiên cứu khoa học để tìm ra cái khiến nhà khoa học thích thú và/hoặc phù hợp với nhu cầu sử dụng. Ngoài ra, việc hiểu ý nghĩa của nó sẽ giúp chúng ta tiếp cận tri thức chính thống từ các bài báo khoa học một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất. Thực tế, IMRAD không chỉ thuận lợi cho việc trình bày thống nhất, dễ hiểu, mà bản thân nó cũng là một cấu trúc trình bày rất logic, có tính tư duy khoa học cao trong từng lập luận sao cho hiệu quả và có tính thuyết phục nhất. Có lẽ vì thế mà hiện nay nó trở nên thông dụng, được các bài báo khoa học trên thế giới sử dụng rất phổ biến.

                                                                   Tác giả: Trần Thị Thu Anh

                                                                   Đơn vị: Trung tâm Đảm bảo chất lượng

Tài liệu tham khảo                                            
1. Mack, C. A. (2014). How to write a good scientific paper: structure and
organization. Journal of Micro/Nanolithography, MEMS, and MOEMS, 13(4),
040101
2. Wcg, P. (2008). Basic structrure and types of scientific papers. Singgapore Med J, 49(7).
3. Wu, J. (2011). Improving the writing of reseach papers: IMRAD and beyond.
 
 


© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 27 Tổng truy cập: 18.734.720