Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

Đánh giá chất lượng hoạt động giảng dạy của giảng viên qua hoạt động khảo sát tại trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội

Ngày đăng: 08:15 - 08/08/2019 Lượt xem: 2.492
Với mục đích góp phần thực hiện Quy chế dân chủ trong Nhà trường; xây dựng đội ngũ giảng viên có phẩm chất đạo đức, lương tâm nghề nghiệp và trình độ chuyên môn cao, phương pháp và phong cách giảng dạy tiên tiến, hiện đại; tạo thêm kênh thông tin từ phía người học giúp giảng viên tự điều chỉnh hoạt động giảng dạy nhằm không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm của giảng  viên; tăng cường tinh thần trách nhiệm của người học với quyền lợi, nghĩa vụ học tập, rèn luyện của bản thân, tạo điều kiện để người học được phản ánh tâm tư, nguyện vọng, được thể hiện chính kiến về hoạt động giảng dạy. Trường đại học công nghiệp Dệt may Hà Nội đã tổ chức khảo sát hoạt động giảng dạy của giảng viên từ tháng 6 đến tháng 7/2019.

Nội dung khảo sát được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thiết kế thành phiếu khảo sát ý kiến sinh viên về hoạt động giảng dạy của giảng viên bao gồm 04 nhóm nội dung, 22 tiêu chí:
 

+ Tiêu chí 1. Công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung, học liệu và phương pháp giảng dạy của giảng viên (8 tiêu chí)

+ Tiêu chí 2. Trách nhiệm, sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học (6 tiêu chí)

+ Tiêu chí 3. Kiểm tra đánh giá kết quả học tập (4 tiêu chí)

+ Tiêu chí 4. Tác phong sư phạm của giảng viên (4 tiêu chí)


Kết quả khảo sát cho thấy: Điểm trung bình chung của 22 tiêu chí về hoạt động giảng dạy của giảng viên toàn trường là 4.21, so với HK1 (4.35) hoạt động giảng dạy HK2 đều giảm không đáng kể (-0.15). Giá trị điểm vẫn thuộc khung điểm xếp loại thang đo Likert 4.21 – 5 (Đáp ứng rất tốt yêu cầu của tiêu chí, cần tiếp tục duy trì và phổ biến điểm mạnh). Hoạt động này cần tiếp tục phát huy hơn nữa để khắc phục điểm tồn tại, đặc biệt là phương pháp giảng dạy của giảng viên cần cải tiến hơn nữa để nâng cao chất lượng giảng dạy.
 

- Kết quả khảo sát cho thấy, các tiêu chí đều nằm ở mức tốt trở lên (>3.41). Tuy nhiên, có 11 tiêu chí ở cận dưới điểm TBC 4.21, chiếm 50% tổng số tiêu chí (11/22) đều là các tiêu chí thuộc tác phong sư phạm và phương pháp giảng dạy. Giảng viên cần khắc phục những hạn chế nhỏ trong hoạt động giảng dạy: Cách truyền đạt, thái độ ứng xử, kiểm tra đánh giá, quan tâm giáo dục tư cách phẩm chất nghề nghiệp, quan tâm sự tiến bộ của người học, giải đáp thắc mắc, phát triển kỹ năng nghề nghiệp, phương pháp giảng dạy,...

- Kết quả đã chỉ ra, phương pháp giảng dạy của giảng viên không có sự thay đổi nhiều qua các học kỳ, hoặc có thể có sự cải tiến nhưng chưa đem lại hiệu quả cao, thể hiện các tiêu chí 1.7, 1.8 không có sự thay đổi nhiều và luôn được đánh giá thấp nhất trong số các tiêu chí. Giảng viên cần tiếp tục cải tiến phương pháp giảng dạy trong thời gian tiếp theo để có kết quả đánh giá tốt hơn.

Kết quả khảo sát học kỳ 1 năm học 2018 -2019 có 100% giảng viên được đánh giá ở mức 5 (mức rất tốt). Tuy nhiên, kết quả khảo sát học kỳ 2 năm học 2018 – 2019 có 50% ở mức 5 (mức rất tốt), 50% ở mức 4 (mức tốt). Các giảng viên ở mức 4 (mức đánh giá tốt) có điểm trung bình ở ngưỡng cao, ở mức 5 (mức đánh giá rất tốt) có điểm trung bình ở ngưỡng thấp, mức độ chênh lệch không cao. Điều này chỉ ra giảng viên cần phải liên tục đổi mới hoạt động giảng dạy phfu hợp với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu của sinh viên.

- Tuy nhiên, xét trên tỷ lệ khảo sát chung, còn một số nội dung cần rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh để đáp ứng tốt hơn nữa nhu cầu và mong muốn của người học, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đào tạo:

+ Trong nhóm nội dung về công tác công tác chuẩn bị giảng dạy, nội dung, học liệu và phương pháp giảng dạy của giảng viên: chú ý đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy, nội dung bài giảng và kiểm tra đánh giá để người học hứng thú trong quá trình học tập.

+ Trong nhóm nội dung về năng lực, trách nhiệm, sự nhiệt tình của giảng viên đối với người học: cần chú ý tư vấn, giúp đỡ người học trong quá trình học; giải đáp thắc mắc thỏa đáng; hướng dẫn người học phương pháp học; quan tâm đến sự tiến bộ của người học; quan tâm đến tư cách, phẩm chất đạo đức người học.

+ Trong nhóm nội dung về kiểm tra đánh giá kết quả học tập, giảng viên cần bám sát hơn nữa mục tiêu học phần khi ra đề thi và tổ chức kiểm tra đánh giá khách quan, công bằng hơn nữa để sinh viên hài lòng hơn với hoạt động này.


+ Về phương pháp sư phạm của giảng viên: cần chú ý cải tiến phương pháp truyền đạt của giảng viên để bài học thật sự dễ hiểu, lôi cuốn hấp dẫn và truyền cảm hứng học tập cho người học.

Trung Nguyễn
© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 45 Tổng truy cập: 18.718.144