Trang chủ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI
TRUNG TÂM ĐẢM BÁO CHẤT LƯỢNG

GÓC NHÌN TỪ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI TỰ ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG NGHIỆP DỆT MAY HÀ NỘI

Ngày đăng: 02:38 - 12/11/2019 Lượt xem: 1.729
Kiểm định chất lượng giáo dục là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Điều này đã được thể hiện trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học. Công cụ để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học là Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng gồm 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thông tư số 12/2017/TT-BGDĐT ngày 19/5/2017. Trong đó, tự đánh giá là khâu đầu tiên, quan trọng và phức tạp nhất trong hoạt động kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục, điều này thể hiện rất rõ ràng trong quá trình triển khai tự đánh giá chất lượng giáo dục tại trường Đại học công nghiệp Dệt May Hà Nội.
Với chủ trương lấy chất lượng giáo dục làm nền tảng, ngay từ khi chuẩn bị mở ngành và đào tạo đại học khóa 1, Nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo chất lượng. Nhà trường đã thành lập Hội đồng tự đánh giá do đồng chí hiệu trưởng làm chủ tịch và 22 thành viên (Gồm cán bộ chủ chốt, sinh viên và đại diện doanh nghiệp/hội cựu sinh viên). Hội đồng tiến hành tự đánh giá trong thời gian 36 tuần, từ ngày 01/10/2018 đến ngày 01/6/2019.
Sau khi thành lập Hội đồng tự đánh giá, Trường mời chuyên gia tập huấn cho Hội đồng tự đánh giá về đảm bảo chất lượng, đặc biệt tập huấn cho các nhóm chuyên trách kỹ thuật thu thập thông tin/minh chứng, mã hoá phân tích minh chứng, cách viết báo cáo tự đánh giá.

Mặc dù đã tổ chức tập huấn kỹ lưỡng và triển khai chu đáo, nhưng khi thực hiện tự đánh giá, Nhà trường vẫn gặp một số vướng mắc, khó khăn sau:

1. Bộ tiêu chuẩn/Mốc chuẩn sử dụng một số thuật ngữ còn gây nhiều tranh cãi về nội hàm dẫn tới các cơ sở giáo dục có nhiều cách hiểu khác nhau cần được thống nhất.
- Ví dụ: “Hoạt động kết nối và phục vụ cộng đồng” có rất nhiều cách hiểu khác nhau: có cơ sở giáo dục cho rằng đó là tất cả các hoạt động kết nối và phục vụ cho tất cả các đối tượng trong trường (người học, cán bộ, giảng viên, chuyên viên, nhân viên,…) và ngoài trường (các hoạt động thiện nguyện, tư vấn,…). Cách hiểu khác cho rằng hoạt động kết nối phục vụ cộng đồng thể hiện ở những hoạt động phạm vi ngoài cơ sở giáo dục đại học như hoạt động đào tạo: Cơ sở giáo dục đại học tham gia đào tạo, bồi dưỡng cho các tổ chức/doanh nghiệp, giảng dạy ở các trường phổ thông, các khóa dạy miễn phí,… Với hoạt động nghiên cứu khoa học, đó là các hoạt động dịch vụ chuyển giao công nghệ cho các công ty nhỏ và vừa,… và các hoạt động từ thiện.
- Cách tính “Tỷ lệ tốt nghiệp” có thể hiểu là tính tổng số sinh viên đỗ tốt nghiệp/số lượng sinh viên đang theo học; Hoặc có thể tính dựa trên tổng số sinh viên đỗ tốt nghiệp/tổng số tuyển đầu vào.
- Tương tự như vậy cần hướng dẫn cách tính “Chỉ số tài chính”“Chỉ số thị trường”.
- Ngoài ra, một số thuật ngữ về phương pháp đánh giá và loại hình kiểm tra đánh giá cần có hướng dẫn cụ thể.

2. Yêu cầu mốc chuẩn tham chiếu để đánh giá tiêu chí đạt mức 4 ở một số tiêu chí còn cao so với thực tiễn tại các cơ sở giáo dục hiện nay. Ví dụ như tiêu chí 10.2, mốc chuẩn 2 yêu cầu CSGD có ít nhất 5 cán bộ có chứng chỉ đào tạo kiểm định viên. Mốc chuẩn 2 của tiêu chí 16.3 yêu cầu thực hiện nghiên cứu, phân tích kết quả kiểm tra, đánh giá người học, sự tác động của các hình thức kiểm tra, đánh giá, đối với chất lượng và hình thức tuyển chọn người học định kỳ bằng các công cụ hiện đại, hiệu quả. Một số yêu cầu về tài chính như cân đối chi và thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ,…

3. Minh chứng thu được chủ yếu là minh chứng thứ cấp gồm các báo cáo số liệu đơn lẻ từng học kỳ hoặc từng năm. Có rất ít các minh chứng là các biên bản/báo cáo đánh giá chất lượng, kết quả phản hồi và hiệu quả thực hiện việc cải tiến..., đối sánh và dự đoán xu thế, kế hoạch cải tiến để nâng cao chất lượng.

4. Để có đủ dữ liệu theo bộ tiêu chuẩn này, cơ sở giáo dục phải thực hiện nhiều đợt/nhiều nội dung khảo sát lấy ý kiến của sinh viên. Sinh viên thường phàn nàn vì phải trả lời phiếu khảo sát nhiều. Mặt khác, yêu cầu của mốc chuẩn thường đưa ra ít nhất 75% sinh viên hài lòng về vấn đề nào đó, đây cũng là yêu cầu khá cao.

5. Quy trình thiết kế công cụ điều tra khảo sát và xử lý, phân tích số liệu còn đơn giản như tính tỷ lệ phần trăm bằng phần mềm Microsoft Office Excel. Chưa áp dụng kỹ thuật phân tích số liệu chuyên sâu như phân tích độ tin cậy, phân tích độ khó, độ phân biệt của item theo mô hình Rasch,...để làm tăng mức độ tin cậy và giá trị khoa học của các số liệu khảo sát.

6. Cán bộ chuyên trách về đảm bảo chất lượng ở cơ sở giáo dục còn thiếu và yếu, ngoài ra còn phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ khác nên chưa đáp ứng được các yêu cầu của kiểm định chất lượng.

7. Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong mới được củng cố nên việc tổng hợp cơ sở dữ liệu còn chưa thống nhất và đồng bộ.

Trong bối cảnh hiện nay, để thực hiện được công tác tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục, tự thân mỗi cơ sở giáo dục cần phải đảm bảo vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong làm nội lực để nâng cao chất lượng giáo dục
Điều quan trọng nhất trong tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục là mỗi cơ sở phải biết mình đang vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong như thế nào trong xu thế chung của hoạt động đảm bảo chất lượng, biết được thế mạnh và có kế hoạch cải tiến những tồn tại kịp thời.
Quá trình thực hiện tự đánh giá nhằm giúp các cơ sở hướng tới đạt được những chuẩn mực chất lượng. Để hỗ trợ các trường làm tốt công tác tự đánh giá và kiểm định chất lượng trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước cần đưa ra những yêu cầu phù hợp với tình hình thực tiễn; tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ chuyên trách và đội ngũ làm công tác đảm bảo chất lượng ở các đơn vị chức năng trong mạng lưới đảm bảo chất lượng chung của nhà trường./.
 
Bài và ảnh: Nguyễn Thu Phương

© Bản quyền 2017 thuộc về Trường Đại học công nghiệp dệt may Hà Nội.
Online: 109 Tổng truy cập: 31.155.302